Dự thảo sửa đổi Nghị định 167 chưa đủ sức răn đe đối với hành vi mua, bán dâm
Mới đây Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Nghị định mới gồm có 4 chương 82 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, tại Điều 24, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền đối với hành vi mua dâm từ 1 - 2 triệu đồng (Mức phạt hiện tại là 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng); phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng một lúc.
Nhiều sinh viên, ca sỹ không chuyên tham gia vào đường dây bán dâm nghìn đô |
Vẫn theo Điều 24 của dự thảo, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 1 -2 triệu đồng trong trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng một lúc. Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Về các hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm, Điều 26 dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm.
Mức phạt tiền từ 30-50 triệu đồng được áp dụng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm; Góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm; Môi giới mua dâm, bán dâm.
Đặc biệt mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 50-75 triệu đồng đối với một trong những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.
'Hot girl' Nguyễn Thị Cúc đi Mercedes điều hành đường dây bán dâm nghìn đô bị bắt giữ |
Đối với hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm, Dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.
Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý.
Ngoài ra, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 6-12 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cũng theo dự thảo, mức phạt tiền từ 5-8 triệu đồng được áp dụng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng…
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua dâm, bán dâm chưa đủ sức răn đe |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về dự thảo nêu trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, mức phạt hành chính đối với hành vi mua dâm, bán dâm theo quy định hiện nay cũng như là với nội dung dự thảo sửa đổi chỉ có tính chất cảnh báo, “nhắc nhở” chứ chưa đủ sức răn đe.
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng gần 10 năm nay, trong khi đó nhiều hành vi trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được bổ sung trong các văn bản pháp luật khác, đồng thời mức chế tài được đưa ra đối với các hành vi vi phạm cũng không còn phù hợp. Bởi vậy việc sửa đổi bổ sung Nghị định này là tất yếu.
Tuy nhiên cần xem xét, cân nhắc đối với mức phạt của một số hành vi vi phạm để đảm bảo tính hiệu quả, nghiêm minh của pháp luật. Trong đó, chế tài hành chính đối với hành vi mua dâm và hành vi bán dâm theo quy định của nghị định đang áp dụng hiện nay cũng như trong dự thảo là chưa đủ sức răn đe, chưa đạt hiệu quả cao trong việc đấu tranh phòng và chống mại dâm.
Má mì Trần Thị Thanh Thảo (21 tuổi) điều hành đường dây mại dâm cao cấp với giá 25 triệu đồng/lượt vừa bị bắt giữ ngày 7/5/2021 |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật hiện hành quy định hành vi bán dâm bị xử phạt với mức thấp nhất là 100 nghìn đồng, cao nhất là 500 nghìn đồng còn hành vi mua dâm quá mức thì bị phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng, cao nhất là 10 triệu đồng. Trong khi đó, cơ quan điều tra phát hiện nhiều vụ mua bán dâm có giá lên đến 25.000 USD một lần mua dâm, Những trường hợp mua bán dâm với giá 8000USD - 10.000USD diễn ra tương đối nhiều.
Nếu các giao dịch này thành công thì số tiền thu lợi bất chính cũng như tiền sử dụng vào mục đích trái pháp luật rất lớn, người ta sẽ không vì sợ nộp phạt mất khoảng vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng mà không dám vi phạm. Bởi vậy, chế tài xử phạt hành chính về hành vi mua dâm cũng như hành vi bán dâm trong thời gian qua cho thấy chỉ là có tính chất “nhắc nhở”, “cảnh báo” về hành vi vi phạm hành chính chứ không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, đời sống cũng như là những thiệt hại về kinh tế của người vi phạm.
Hot girl 9X Vũ Thị Vân Anh vừa bán dâm, kiêm môi giới với giá 4 triệu đồng/lượt |
Theo luật sư Cường, để phòng chống mại dâm hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa chứ không chỉ ỷ lại vào việc áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự. Các giải pháp phòng ngừa hành vi vi phạm về mại dâm cần phải thực hiện bao gồm:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho khoa học, đồng bộ, phù hợp, dễ áp dụng, có tính khả thi để có thể vận dụng áp dụng đối với các hành vi vi phạm về phòng chống mại dâm, trong đó có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực quản lý, thực hiện các hành vi có liên quan đến phòng chống mại dâm;
Kiểm soát được số lượng người bán dâm trên mỗi khu vực, địa bàn để có những giải pháp hỗ trợ về việc làm, về tâm lý, về sức khỏe, về nhận thức để giảm bớt số lượng người bán dâm và bảo vệ họ, giúp họ “hoàn lương”;
Giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ, những trường hợp rơi vào hoàn cảnh éo le, khó khăn, bất hạnh để họ không tìm đến con đường “bán thân” để kiếm sống; Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ để giảm bớt những hiện tượng sống thực dụng, du nhập những lối sống thác loạn, sa đoạ, không phù hợp với đạo đức và thuần phong mỹ tục…
Còn đối với các chế tài hành chính hoặc hình sự về hành vi vi phạm phòng chống mại dâm thì sẽ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp trên chưa đạt hiệu quả. Mức chế tài có nghiêm khắc đến đâu thì cũng không phải là giải pháp tích cực để phòng chống vi phạm, phòng chống tội phạm. Bởi vậy cần áp dụng đồng bộ, đầy bộ đủ, kịp thời các giải pháp phòng chống mại dâm thì hoạt động phòng chống mại dâm, kiểm soát tình hình mại dâm mới đạt hiệu quả.