Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với du lịch
Du lịch "ế ẩm" dịp lễ 2/9 Mang văn hóa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ Thủ đô Thưởng thức nghệ thuật truyền thống và đương đại của Hàn Quốc và Việt Nam tại Đà Nẵng |
Tổng cục Thống kê cho biết, do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức rất lớn cho ngành du lịch trong việc thu hút khách.
Một trích đoạn trong vở tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo |
Hành trình khám phá Hà Nội của hầu hết các tour du lịch, nhất là dành cho du khách nước ngoài không thể thiếu phần thưởng thức nghệ thuật. Hiện Hà Nội đang sở hữu 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu, trình độ và năng lực biểu diễn luôn được đánh giá đứng đầu cả nước. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đều đã xây dựng chương trình hướng tới phục vụ khách du lịch, vừa để quảng bá tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, vừa để phát triển, tăng nguồn thu cho hoạt động.
Không thể phủ nhận những cố gắng từ phía các đơn vị nghệ thuật truyền thống nhằm duy trì sức sống của nghệ thuật truyền thống, biến nó trở nên có sức hút hơn đối với du khách.
Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn nỗ lực đổi mới |
Thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến xem và thưởng thức nghệ thuật dân tộc là Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội). Năm 2013, nhà hát này vinh dự mang về cho đất nước kỉ lục "Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm". Bên cạnh những nỗ lực đổi mới về hình thức, cách tiếp cận khán giả như: Nhận phục vụ theo yêu cầu của khách vào mọi thời gian trong ngày, hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành, chỉnh trang lại các phòng đợi, cung cấp báo, tạp chí, phát sóng wifi, nước uống miễn phí, bán vé qua mạng… thì phải khẳng định thêm rằng, điều khiến rối nước trở nên “hot” đối với du khách quốc tế chính là bởi ngôn ngữ biểu đạt độc đáo và dễ hiểu của loại hình này.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, nghệ thuật múa rối nước vốn đặc sắc, riêng có ở Việt Nam, cộng với địa điểm đóng quân của nhà hát ngay trên phố Đinh Tiên Hoàng, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm - nơi quảng bá tốt nhất văn hóa Việt, nên khá thuận lợi để thu hút du khách. Trung bình mỗi ngày nhà hát diễn từ 6 đến 8 suất, đón 1.500 lượt khách, trong đó có tới 80% là khách tour. Nhiều năm nay nhà hát tự chủ hoàn toàn về tài chính, đời sống của nghệ sĩ, người lao động ngày càng được nâng cao.Thế mạnh lớn nhất của đơn vị này suốt nhiều năm nay chỉ đơn giản là múa rối. Với sự chịu khó tìm tòi, những tiết mục của Nhà hát được khách du lịch nước ngoài thích thú, qua đó không chỉ đem về lợi nhuận kinh doanh, nuôi sống anh em nghệ sĩ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nghệ thuật dân tộc.
Lý giải về con số ấn tượng này, đại diện Nhà hát tiết lộ: “Hiện nhà hát có mối quan hệ với hơn 300 công ty lữ hành”. Thành công của Nhà hát Múa rối Thăng Long nhiều người cho rằng đó là sự may mắn khi vị trí của Nhà hát ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, theo các công ty lữ hành, điều đó cũng không hoàn toàn đúng. Nhà hát Múa rối Thăng Long dù có lợi thế, có cái “nền” tốt như vậy nhưng họ không ngừng vận động. Được biết, hằng năm, Nhà hát tổ chức các cuộc trưng cầu ý kiến từ một số công ty lữ hành để biết được nhu cầu của khách, thời gian, thời lượng của chương trình bao nhiêu là phù hợp với khách du lịch. Chương trình nên xây dựng ra sao để khách du lịch của tất cả các nước đều có thể hiểu được ngôn ngữ chung, nhất là hành động.
Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là một hiện tượng trong việc tự tìm hướng đi cho mình. Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: Những năm 2000, nhà hát cũng đứng trước nhiều khó khăn về tài chính. Các nghệ sĩ phải tự xoay xở bằng cách đi hát tại quán xá, hội nghị. Nhận thấy sự sống còn của việc thay đổi để thu hút khách du lịch, Nhà hát Chèo Hà Nội đã đổi mới các chương trình biểu diễn như: xây dựng các sân khấu nhỏ chuyên biểu diễn các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống, xen lẫn ca hát dân gian. Việc chia các sân khấu nhỏ rất hợp với du khách về thời gian cũng như thị hiếu của du khách nước ngoài. Nếu như các sân khấu lớn với 500 chỗ thì sân khấu nhỏ có thể biểu diễn cho đoàn khách khoảng 20 người. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh từ các vở chèo lịch sử như: Thái úy Lý Thường Kiệt, Ngọc Hân công chúa; chèo cổ có các vở và trích đoạn: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa...; chèo dân gian là: Tấm Cám, Lọ nước thần, Nàng Sita và một số vở chèo đề tài hiện đại...
Phần lớn các công ty lữ hành đều muốn đưa vào những tour du lịch của mình các chương trình thưởng thức nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho tour du lịch trở nên phong phú hấp dẫn. Tuy nhiên, các rạp hát đều nằm trong phố cổ, việc đưa đón du khách tại giờ cao điểm thật sự rất khó khăn. Thời gian xem một chương trình quá dài (khoảng 60 phút) trong khi một tour tham quan lại ngắn. Đáng chú ý là lịch diễn của các nhà hát chưa phù hợp với các tour du lịch khi chỉ biểu diễn theo giờ, theo ngày... Ngay như tại các buổi biểu diễn trích những đoạn chèo, tuồng trong loạt chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua, nhiều du khách nước ngoài rất bối rối vì trong tay không hề có một bản giới thiệu nào về các trích đoạn đang diễn.
Để chương trình nghệ thuật tạo được ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và là mũi nhọn thu hút du khách, các nhà hát phải nâng cấp cơ sở vật chất và nội dung chương trình biểu diễn. Các nhà hát cần có một cơ chế thật sự thông thoáng cũng như sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ VH,TT&DL. Muốn đưa nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch cần phải quy hoạch thành các điểm biểu diễn tốt, chương trình hấp dẫn, cần có một chiến lược xúc tiến du lịch để thu hút đông đảo du khách, nhất là du khách quốc tế.