Mang văn hóa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ Thủ đô
Các nghệ sĩ trình diễn hát xẩm tại tọa đàm
Chương trình là hoạt động thiết thực kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018); chào mừng Đại hội đại biểu Hội Sinh viên thành phố Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Anh Trần Phúc Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Cung Thanh niên phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, anh Trần Phúc Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh, với mong muốn giới thiệu các giá trị tốt đẹp của văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc đến đông đảo đoàn viên, thanh niên Thủ đô, Cung Thanh niên Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị để tổ chức chương trình tọa đàm về Á Nam - Trần Tuấn Khải. Ban tổ chức hi vọng những giá trị buổi tọa đàm mang lại sẽ giúp các bạn trẻ hiểu sâu sắc hơn về văn học nghệ thuật truyền thống.
Anh Trần Phúc Lộc cho biết thêm, đây là một trong hoạt động động của dự án đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với học sinh, sinh viên, thanh niên Thủ đô đang được Cung Thanh niên thực hiện. Những hoạt động này sẽ góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước cũng như các giá trị truyền thống tốt đẹp cho các bạn trẻ.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch với tiết mục hát xẩm Anh khóa |
Tại tọa đàm, đông đảo sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã được các nhà nghiên cứu nổi tiếng như: Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Chú; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Biên… cung cấp góc nhìn đa chiều về vai trò của Á Nam - Trần Tuấn Khải với nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, các bạn trẻ còn được thưởng thức một số tác phẩm như: Hát xẩm Anh khóa, Cô hàng nước, ngâm thơ, ca trù…
Á Nam - Trần Tuấn Khải sinh năm 1895, mất năm 1983. Ông là một nhà thơ Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến. Các bút danh của ông là: Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ.
Gần một thế kỷ sống và viết, Á Nam - Trần Tuấn Khải đã để lại một sự nghiệp trước tác không nhỏ với khoảng 30 tác phẩm gồm nhiều thể loại từ thơ ca, văn xuôi, đến nghiên cứu, dịch thuật. Trong đó, bài thơ nổi tiếng nhất là Anh Khóa.