Đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số qua nền tảng số
Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số Chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT đem lại nhiều lợi ích thiết thực Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số |
Đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Đến đầu tháng 5/2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình/đề án hoặc kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm.
Song song đó, Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, cho thấy tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Lãnh đạo địa phương hợp lực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số”, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 diễn ra trong 2 ngày 25, 26/5, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
Các diễn giả tham gia hội thảo |
Cụ thể là phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm...
Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện; Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đại diện Cục Tin học hóa cũng điểm ra 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định hướng trên, trong đó có các việc: Tham mưu, đề xuất ban hành Nghị quyết của cấp ủy Đảng về chuyển đổi số; Xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động hàng năm về chuyển đổi số; Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội...
Giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số, vai trò của lãnh đạo địa phương rất quan trọng
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo địa phương cũng như doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đều có chung nhận định rằng, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức và chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, địa phương phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu. Người đứng đầu không có quyết tâm chính trị thì chuyển đổi số sẽ không thể thành công.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch FPT cho rằng, bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng tích cực và hứng khởi.
“Chuyển đổi số quốc gia cần là thành công chuyển đổi số của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA phát biểu tại hội thảo |
Bàn về vai trò của lãnh đạo, ông Nguyễn đoạn Quang Thanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng phân tích, có 4 cụm từ quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số là lãnh đạo, liên kết, lực lượng và lâu dài.
Theo ông Thanh, trong lộ trình chuyển đổi số, ở giai đầu, khi chuyển đổi nhận thức, đặt nền tảng cho chuyển đổi số, vai trò của lãnh đạo rất quan trọng. Ở giai đoạn triển khai, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn. Đến khi chúng ta có một hệ thống, tạo được niềm tin, có chính sách thì người sử dụng giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tồn tại của các hệ thống, vào hiệu quả chuyển đổi số.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình nhận định, người lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, vai trò đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu còn phụ thuộc vào từng giai đoạn.
“Ở giai đoạn hiện nay, quá trình triển khai thực tế tại địa phương cho thấy vai trò người lãnh đạo cực kỳ quan trọng - là người đặt ra chủ trương, dẫn dắt, người quyết định những giải pháp cụ thể, thậm chí là tìm kiếm nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên, giai đoạn sau này, khi chuyển đổi số đã định hình thì vai trò quan trọng hơn cả là cộng đồng thụ hưởng, sử dụng, là người dân, doanh nghiệp và cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Bình phân tích.
Kết luận hội thảo, các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp thống nhất rằng, để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiệu quả, cần thiết phải có sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cũng như người dân, doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng, sử dụng các dịch vụ, tiện ích thông minh.
Chuyển đổi số ở nhiều tỉnh thành đã đem lại những thành quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển và đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành cần tập trung cao cho việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến cấp cơ sở. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực cải cách nền hành chính; Qua đó, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.