Kết nối, tạo động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được thành phố Hà Nội xác định là một trong các động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã xây dựng Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo, với vai trò là đầu mối triển khai chính sách, điều phối hệ sinh thái, kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa nghiên cứu - ứng dụng - thị trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định: Việc xây dựng trung tâm là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như định hướng chiến lược trong Luật Thủ đô (2024). Trung tâm sẽ giúp kết nối giải những bài toán lớn của Thủ đô với các giải pháp công nghệ thiết thực trong các lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông thông minh, môi trường, nông nghiệp đô thị, dữ liệu mở và phát triển thành phố thông minh.
![]() |
Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Mô hình tổ chức của Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ theo hướng “công ty mẹ - công ty con”. Trong đó, công ty mẹ là công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, có thể huy động thêm vốn từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Công ty mẹ điều phối chiến lược, sở hữu tài sản công và dẫn dắt chính sách. Các công ty con đảm nhận những nhiệm vụ chuyên biệt, như: Vận hành vườn ươm, tăng tốc khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, chuyển giao công nghệ…
Bên cạnh đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo còn tích hợp các chức năng: Tham mưu chính sách, nghiên cứu và phát triển, ươm tạo công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, vận hành sàn giao dịch công nghệ, sàn tài sản số; tổ chức không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm mở, nền tảng chia sẻ dữ liệu và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).
![]() |
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (cơ sở Hòa Lạc) |
Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ đầu tư vào các phòng thí nghiệm trọng điểm trong các lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, môi trường…, nhằm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa nghiên cứu - doanh nghiệp tại các phòng thí nghiệm công lập hiện nay.
Trung tâm cũng là đầu mối thu hút nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, từ vốn đầu tư mạo hiểm, tài trợ quốc tế, ODA, đến chính sách “mua sắm công đổi mới sáng tạo” nhằm tạo thị trường thử nghiệm cho các sản phẩm công nghệ do startup trong nước phát triển.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi: Miễn chi phí hạ tầng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vận hành linh hoạt và được phép tiếp nhận, sử dụng hiệu quả tài sản công trong mô hình đối tác công - tư.
Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là trung tâm phải tiên phong xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, văn hóa dám nghĩ, dám thử, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đồng hành giữa Nhà nước và thị trường, hướng tới lợi ích cộng đồng. Việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội không chỉ nhằm khắc phục các điểm nghẽn hiện tại, mà còn mở ra cơ hội để Thủ đô bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng đổi mới sáng tạo của khu vực.
Đọc thêm

Phát triển khoa học, công nghệ gắn với thi hành Luật Thủ đô

Tây Ninh: Đẩy mạnh phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đà Nẵng ra mắt bản đồ số 94 phường, xã và đặc khu

Trường đại học đầu tiên ra mắt Hệ thống Tín chỉ xanh P-Coin

Công khai các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường

Lan tỏa tri thức - Tiên phong chuyển đổi số

Quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số

FPT đồng hành cùng Quảng Ninh xây dựng chính quyền 2 cấp

Visa đồng hành tài trợ lễ hội game HoYo FEST 2025 trên toàn khu vực Đông Nam Á
