Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người dân Thủ đô
Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng lảng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận.
Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Người dân Thủ đô có thể mua nông sản tại Tuần hàng tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội |
Hiện, thành phố Hà Nội có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thế giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.
Tuần hàng OCOP Hà Nội có sự góp mặt của hơn 100 gian hàng |
Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới cho thấy, tính đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành Thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành Vải và may mặc 34 sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Với hơn 100 gian hàng, tuần hàng nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Tuần hàng cũng nhằm hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.
Các đại biểu cắt băng khai mạc tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội |
Sự kiện cũng là hoạt động giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Đặc biệt, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; Phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên |
Đồng thời, Hà Nội phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố đánh giá và phân hạng; Ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |