Đừng “đánh cắp” sự trưởng thành của con
![]() |
Nhiều bạn trẻ “chém gió” vỉa hè xuyên thời gian
Bài liên quan
“277 lời khuyên dạy con”- cuốn sách gối đầu giường cho cha mẹ
Bài 20: Để bố mẹ không phải “sống hộ” con…
Chu cấp từ A đến Z
Nói đến thực trạng giới trẻ ngày nay với cuộc sống, TS. Vũ Thu Hương, Nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Cách giáo dục của các bậc làm cha làm mẹ hiện nay khiến con cái ngày càng trở nên thụ động, khó có thể khẳng định mình”.
Từ khi sinh ra, trẻ được bế bồng. Lớn lên, các em được nuông chiều trở thành những cậu ấm, cô chiêu. Khi con bảo cần tiền là cha mẹ sẵn sàng cho mà không cần biết khoản tiền đó dùng để làm gì. Từ đó dẫn đến việc giới trẻ “xài” tiền phung phí vào những mục đích không lành mạnh. Không ít cô cậu đang độ tuổi đi học, những đã sớm đua đòi, chạy theo mốt này mốt nọ, xài quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền. Đến tuổi đi học, các em được cha mẹ tìm trường, chọn lớp, chọn ngành nghề. Đến khi ra trường, các em lại được cha mẹ lo luôn cho “tấm vé” việc làm.
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, đây không còn là tình thương mà là kìm hãm sự trưởng thành, phát triển của một đứa trẻ. Đứa trẻ cần phải có những trải nghiệm trong cuộc sống, gặp những vui buồn, khó khăn đôi khi là thất bại thì mới có thể trưởng thành. Sự kèm cặp quá mức của các bậc cha mẹ vô hình chung tạo thành áp lực khiến trẻ mất đi khả năng tư duy, tự chủ của bản thân.
![]() |
Có cùng quan điểm giới trẻ Việt đang được nuông chiều quá mức, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội nhận định, trong xã hội có quá nhiều “hoàng tử, công chúa” chỉ biết ăn với học. Tại nhà, tất cả mọi việc chân tay đã có cha mẹ hay người giúp việc thực hiện. Thậm chí có em học Đại học mà vẫn không biết nhặt rau, giặt quần áo, quét nhà… Ông dẫn chứng câu nói của một phụ huynh về cậu con trai đang học cấp 3 của mình: “Làm sao nó biết làm việc nhà, bởi vì thức dậy thì đã có người giúp việc dọn phòng. Nó chỉ biết ăn rồi đi học…”.
“Nhiều cha mẹ đang “đánh cắp” sự trưởng thành của con mà không hay biết. Cha mẹ thương con, chăm con kiểu đó chẳng khác nào biến con thành gánh nặng của những người thân trong gia đình và toàn xã hội”, TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Đững mãi bồng bế con
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay hơn 55% trong số 1,1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 15 – 24. Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp ngày càng cao, chiếm 7,8% so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 2%. Những con số này phần nào cho thấy, cuộc chiến khó khăn mà giới trẻ đang đối mặt trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ và khả năng. Và đáng lẽ họ cần phải năng động hơn, thế nhưng do được cha mẹ bao bọc, nuông chiều từ bé nên đa số bạn trẻ chọn cách nằm nhà chờ việc chứ không chấp nhận việc “hạ thấp” mình để làm một công việc “kém sang” hơn như: Tập sự cho một công ty, học việc tại các tập đoàn, thử việc không lương để trải nghiệm và thu về những kinh nghiệm quý giá.
Chính sự đãi ngộ đặc biệt, cam chịu làm “nô lệ” cho con cái từ việc nhỏ đến việc lớn của nhiều bậc phụ huynh đã khiến trẻ “bội thực” tình thương, ỷ lại và không có sức đề kháng khi ra ngoài xã hội.
Anh Lê Ngọc Minh, Trường phòng nhân sự Công ty ATV Co.,Ltd cho biết: “Rất khó khăn trong việc tuyển dụng những vị trí lao động phổ thông hay công việc thiên về phục vụ. Khi làm công tác tuyển dụng cho một công ty chuyên về công nghiệp nặng, một năm tôi phỏng vấn vài trăm lao động, phổ thông có, kỹ sư có. Và có một đặc điểm là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường quá thiếu kỹ năng và kiến thức cơ bản nhưng họ lại thường mong muốn những vị trí việc làm lương cao, nhàn hạ. Đặc biệt khi tuyển vào, công ty cho các bạn đi rèn luyện, va chạm chút xíu thì kêu trời than đất, rồi nói: Em không thích áp lực, không thích bụi bặm…”.
Đúng là môi trường sống hiện đại có nhiều thứ không an toàn, dễ bị tiêm nhiễm nhưng không cho con cái cọ xát, đối mặt thì chúng chẳng bao giờ có kỹ năng sống, đối phó linh hoạt. Điều quan trọng là dạy con cách thích nghi, ứng phó trong những tình huống thiếu an toàn.
Theo TS. Vũ Thu Hương việc nuông chiều, cung phụng con cái không có điểm dừng, hoặc thái quá đang biến một bộ phận giới trẻ… không thể trưởng thành, sống phụ thuộc cha mẹ dù đã có tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Tuy nhiên, chỉ đến khi thấy con cái mình lười biếng, sống ích kỷ, không biết quan tâm ai thì họ mới giật mình, than vãn, kể cả trách móc chúng không biết hiếu thảo. Khi chỉ biết nhận nhiều hơn cho, lớn lên giới trẻ cũng trở nên vô cảm, ít biết sẻ chia, thông cảm với người khác. Những đứa trẻ được nuông chiều, cung phụng thường gặp trục trặc, mâu thuẫn tại trường, khi đi làm cũng va chạm với đồng nghiệp nhiều hơn.
Chính vì thế, dạy con trong môi trường sống hiện đại sao cho đúng và phù hợp không hề dễ. Cha mẹ cần có nguyên tắc dạy con, tôn trọng cá tính của con nhưng không chiều chuộng, không xuê xoa cho những hành vi xấu, thói quen không tốt. Muốn con cái hiểu rõ giá trị cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão thì cha mẹ phải sống gương mẫu, dạy con điều hay lẽ phải, biết phân biệt đúng sai. Hơn nữa thương con đúng cách là khuyến khích trẻ làm được mọi việc trong khả năng, tự phục vụ bản thân, lớn lên biết giúp đỡ người khác. Chỉ khi được nhúng vào môi trường trải nghiệm, cọ xát với thực tế, môi trường sống đòi hỏi sự linh hoạt, năng động thì trẻ mới được rèn luyện kỹ năng sống. Hơn nữa khi biết tự lo cho bản thân, thanh thiếu niên mới hiểu rõ giá trị lao động, quan tâm đến cha mẹ, sống có ích cho xã hội.
“Các em không bao giờ là quá nhỏ để học về trách nhiệm và sự sẻ chia. Từ khi còn bé, cha mẹ hãy để cho các em tham gia việc dọn dẹp nhà cửa, từ những việc nhỏ phù hợp với khả năng của các em. Khi các em trưởng thành, cha mẹ cũng đừng áp đặt hay thay các em quyết định mọi chuyện hãy để các em chủ động quyết định, lựa chọn cuộc sống của chính mình dưới sự phân tích, chia sẻ của cha mẹ. Sau mỗi quyết định, các em sẽ học được những bài học gắn liền với cuộc sống của mình, từ đó hình thành lối sống có trách nhiệm, tính tự lập không ỷ lại vào người khác”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.
Các em có thể học chưa tốt nhưng phải có ước mơ, hoài bão để làm động lực phấn đấu, vươn lên. Vì thế, muốn con mình có ước mơ và sống hữu ích, mỗi bậc làm cha, làm mẹ hãy trở thành những người thầy tốt luôn gần gũi, dìu dắt, dạy con bài học làm người, tự đi trên đôi chân của mình. Đừng bao giờ để cái bóng của cha mẹ che phủ ước mơ, tương lai của con cái.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thiếu nhi Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Bước ngoặt giúp hộ kinh doanh "lột xác" bằng công nghệ

Hải Phòng: Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Người trẻ Thủ đô lan tỏa yêu thương qua những giọt máu hồng

5.000 sinh viên tham gia Ngày hội “Sinh viên 5 tốt” lần thứ VI

Thiếu nhi Thủ đô tiếp bước cha anh bằng những việc làm ý nghĩa

Thức thâu đêm: Chiến lược ôn thi sai lầm của học sinh cuối cấp

Khởi nghiệp trẻ giữa “tâm bão AI”: Cơ hội bứt phá từ công nghệ

Nhiều học sinh "nhờn luật", “bình thường hóa” việc không đội mũ bảo hiểm
