Gặp Tổng phụ trách Đội, một trong những người đầu tiên thử nghiệm tiêm vắc xin chống Covid-19
Không để bệnh nhân bị bỏ lại phía sau
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam đã tấn công hàng loạt bệnh viện trong đó có cả 3 cơ sở của Bệnh viện K khiến những bệnh nhân nơi đây vốn đã chồng chất khó khăn lại thêm lo lắng.
Chị Trần Thị Nhung thay mặt Câu lạc bộ "Từ trái tim đến trái tim" trao tặng quà tới y, bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện K3 Tân Triều |
“Nghe tin Bệnh viện K3 Tân Triều bị phong toả, hiện giờ có 4.000 người phải cách ly trong đó, bao gồm bệnh nhân, người nhà và đội ngũ nhân viên y bác sĩ, thực sự tôi không thể kìm lòng được. Nơi đây, thành viên Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” đã gắn bó gần 8 năm qua, bất kể mưa nắng... Mở từng cái ảnh trong album Bệnh viện K3, nhìn những đứa trẻ tay gắn chi chít ống truyền và hàng nghìn bệnh nhân ung thư với chiếc đầu trọc lốc vì hoá trị mà tôi rưng rưng nước mắt...”, chị Nhung chia sẻ.
Chị Nhung muốn làm gì đó cho những người bệnh nơi đây dù chị và các thành viên trong câu lạc bộ vừa kêu gọi các mạnh thường quân xây điểm trường ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Chị biết có chút “tham lam” khi tiếp tục xin ủng hộ nhưng lại tin mọi người cùng chị sẽ luôn đồng hành với các bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ nơi đây để họ không thấy bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống đại dịch này.
“Nơi đây, có hàng nghìn mảnh đời đang mang trong mình căn bệnh nền quái ác, giờ mà bị Covid-19 tấn công thì quả thật tôi sợ ngày mai chúng ta muốn chia sẻ, giúp đỡ họ cũng trở thành vô nghĩa. Dịch bệnh khó khăn chung, ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả chúng ta nhưng xin: Hãy trao cho nhau khi còn có thể vì sợ sau này không có để trao cho nhau”, chị Nhung tâm sự.
Những dòng chia sẻ ấy được chị đăng tải trên trang facebook cá nhân kèm lời kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ủng hộ, đồng hành cùng các y, bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện K3 Tân Triều.
Chỉ trong vòng 24 tiếng kêu gọi, chị Nhung đã nhận được gần 200 triệu đồng ủng hộ để mua nhu yếu phẩm gửi tặng y, bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện K3 Tân Triều gồm: Khẩu trang (50 thùng), nước uống Lavie (500 thùng), sữa Fami (300 thùng), mì tôm (600 thùng), bánh mì, kem và bàn chải đánh răng… Số quà trên sẽ được gửi tới 28 khoa của bệnh viện.
Chị Trần Thị Nhung tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhi ở Bệnh viện K3 Tân Triều |
Đây không phải lần đầu tiên chị Nhung và các thành viên trong Câu lạc bộ Từ trái tim đến trái tim kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng giúp những bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh. Năm 2020, Covid -19 tấn công vào Bệnh viện Bạch Mai khiến bao bệnh nhân nghèo lao đao.
Với suy nghĩ cho đi là còn mãi, chị Trần Thị Nhung, giáo viên, Tổng phụ trách Đội trường THCS Giáp Bát là 1 trong 3 tình nguyện viên đầu tiên của Việt Nam tiêm thử nghiệm Nanocovax (vắc xin Made in Việt Nam đầu tiên phòng, chống Covid-19). Chị cũng là người kết nối kêu gọi hơn 130 tình nguyện viên khác tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin giai đoạn 2. Chị Nhung tâm sự: “Trong 1 bài phát biểu chỉ đạo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nói: "Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch!”. Cũng chính vì câu nói đó của Phó Thủ tướng mà tôi đã không nề hà, bất chấp cả tính mạng mình để xông pha vào một mặt trận không tiếng súng, tiêm thử nghiệm vắc xin. Tôi chỉ mong đóng góp công sức cho nền Y học nước nhà, góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19". |
Nhìn cảnh các bệnh nhân nơi "xóm chạy thận" Lê Thanh Nghị câu lạc bộ vẫn đến tặng gạo hàng tháng, xếp hàng đo thân nhiệt trước cổng bệnh viện để vào lọc máu..., chị Nhung không khỏi xót xa. Chị và các thành viên trong câu lạc bộ đã kêu gọi tặng gạo và rất nhiều phần quà để giúp bệnh nhân nghèo vượt qua đại dịch. Chị cũng là người kết nối các nhà hảo tâm trao tặng 131 triệu đồng tới 131 bệnh nhân nơi đây.
Trao yêu thương để nhận lại yêu thương
Đây cũng không phải lần đầu tiên chị Nhung cùng câu lạc bộ đến với các y, bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện K3 Tân Triều. Nơi đây, đều đặn 7 năm liền, hàng tuần chị và các thành viên trong câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” đến tặng sữa tới bệnh nhân. Không những vậy, đều đặn vào các dịp Thiếu nhi, Tết Trung thu…, câu lạc bộ đều tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, biểu diễn xiếc, tặng quà cho các bệnh nhi. Với chị Nhung cứ trao đi thật nhiều sẽ nhận lại yêu thương.
Suy nghĩ ấy trở thành động lực cho chị trên con đường thiện nguyện. Chị đã đến với những mảnh đời bất hạnh tại bệnh viện K, "xóm chạy thận", làng chài, bệnh viện tâm thần và cả những em nhỏ vùng cao.
Chị Trần Thị Nhung (bên trái) với các em nhỏ vùng cao |
“Đã có lúc mình mệt mỏi muốn dừng lại nhưng cứ nghĩ đến mảnh đời khó khăn lại không đành. Cuộc đời này công bằng lắm, bạn cứ cho đi thì bạn sẽ được nhận lại. Cái mà tôi nhận lại không thể tính hay mua được bằng tiền. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình được cho đi”, chị Nhung tâm sự.Trong đó, chị Nhung cùng các thành viên trong Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” đã quyên góp tiền xây dựng nhiều điểm trường tặng trẻ vùng cao như: Mầm non Tân Sơn B, (Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang); Mầm non tại Nậm Nghiệp (Ngọc Chiến- Mường La, Sơn La); Trường Tiểu học Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu); Điểm trường Dền Thàng và Nậm Pẻn (Bát Xát, Lào Cai)...
Chị Trần Thị Nhung là một trong những giáo viên, Tổng phụ trách Đội tiêu biểu của quận Hoàng Mai |
Tinh thần ấy được chị Nhung truyền tải đến học sinh qua các hoạt động của Đội. Gần 15 năm làm Tổng phụ trách gắn bó với tổ chức Đội, chị luôn mong muốn góp phần giáo dục đạo đức cho các lớp thế hệ học sinh, giúp các em học cách trở thành người tốt trước khi trở thành người thành đạt.
Chị Nhung tâm niệm, giáo viên như một ngọn nến, muốn thắp sáng thì tự mình phải cháy trước nên chị luôn muốn sống cống hiến hết mình, để như một tấm gương cho học sinh noi theo.
“Giống như lời Bác từng dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn một nghìn bài diễn thuyết". Vậy nên, tôi luôn thấy rất thanh thản lương tâm khi đã góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh và giúp các con hiểu giá trị của sự sẻ chia yêu thương với cộng đồng. Những chương trình tôi đã làm, đặc biệt là xây dựng những điểm trường, học sinh tham gia đóng góp rất nhiều những viên gạch hồng để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ vùng cao”, chị Nhung tâm sự.