Gen Z làm gì để trở thành thế hệ công dân sáng tạo?
Người trẻ và hành trình thành công dân toàn cầu Định hình người trẻ Việt làm công dân toàn cầu Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo tiền đề cho công dân số |
Không ngại bước ra khỏi vùng an toàn
Tích cực rèn luyện tư duy học hỏi, nâng cao vốn hiểu biết của bản thân bằng việc đọc đa dạng các thể loại sách là những điều mà Lại Diễm Quỳnh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thường làm mỗi ngày.
Là một gen Z, Diễm Quỳnh cho biết đã tự mình bước ra khỏi vùng an toàn để tìm ra những điều mới mẻ phát triển bản thân. Quỳnh luôn muốn trải nghiệm, sáng tạo thật nhiều vì đối với nữ sinh, vào một lúc nào đó trong cuộc sống, những ý tưởng mới sẽ giúp chúng ta thành công với dự định của bản thân.
“Mình rất thích đọc sách. Việc đó đã rèn cho mình tư duy đa chiều và sâu sắc hơn trong suy nghĩ, giúp mình được “chạm” vào nguồn trí thức, thông tin khổng lồ. Đây cũng là cách khiến mình thúc đẩy tư duy theo hướng mở, không bị gò bó, sự sáng tạo cũng vì thế tăng lên đáng kể”, Diễm Quỳnh nói.
Diễm Quỳnh không ngại bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân |
Đối với Diễm Quỳnh, câu chuyện về thiên tài Thomas Edison thất bại hàng ngàn lần và tìm ra hàng nghìn cách khác nhau để cuối cùng đã phát minh ra bóng đèn chính là một bài quý giá đối với chàng trai trẻ. Vì vậy, Quỳnh tin rằng việc làm đi làm lại cái cũ theo một phương pháp cũ giống y hệt nhau có thể “giết chết” khả năng sáng tạo trong mình.
“Mình thấy rằng làm một việc bằng nhiều cách làm khác nhau, cho dù thất bại thì chúng ta vẫn sẽ rút ra được một điều gì hoặc để lại kinh nghiệm cho những lần làm sau. Đó sẽ là tiền để giúp khả năng sáng tạo của chúng ta ngày một tốt hơn”, Diễm Quỳnh chia sẻ quan điểm.
Để sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, Quỳnh cũng cho rằng mỗi người cần sắp xếp một kế hoạch hợp lý cho mình để không “quá tải”. Đó là lúc mà quy trình 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng) trở thành người bạn đồng hành lý tưởng đối với nữ sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cô gái trẻ tin rằng khi cuộc sống tích cực, các thông tin được sắp xếp gọn gàng, sự sáng tạo mới được phát huy tối đa chức năng của nó. Lúc đó sẽ có nền tảng để phát minh ra những thứ “điên rồ”, những điều bản thân trước đó chưa từng nghĩ là sẽ làm.
Khẳng định sự khác biệt
Với sự bùng nổ của internet và thiết bị điện tử, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều cơ hội hơn để khám phá thế giới kiến thức mới lạ và tự tìm lời giải cho câu hỏi "Tôi là ai?". Các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Tiktok... đã trở thành những nơi để giới trẻ chia sẻ suy nghĩ và quan điểm của mình. Đồng thời, đó cũng là nơi để các tài năng trẻ sáng tạo nội dung trên nền tảng số được khẳng định giá trị bản thân.
Nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ 9X, Gen Z trở thành “idol” của rất nhiều người, sở hữu lượng followers “khủng” trên mạng xã hội như: Khánh Vy, Khoai Lang Thang… Sự ảnh hưởng mạnh mẽ này trên nền tảng mạng xã hội đã trao cho họ danh tiếng và những hợp đồng quảng cáo “chất lượng” với các nhãn hàng. Một điều tuyệt vời hơn nữa mà những bạn tham gia lĩnh vực sáng tạo này có được đó là khẳng định giá trị bản thân, được thoải mái “là chính mình” theo màu sắc riêng. Đó cũng là lý do khiến Lê Quốc Khánh ( 22 tuổi, sống tại Hà Nội) theo đuổi một công việc mới trong lĩnh vực này.
“Mình nghĩ rằng các nền tảng mạng xã hội đã trở thành "tấm gương phản chiếu nội tâm" của từng người, giúp định hình ước mơ và khát khao tương lai. Vì thế, mình mong muốn tham gia vào lĩnh vực sáng tạo nội dung trên nền tảng số, xây dựng những câu chuyện thương hiệu, tạo ra những sản phẩm đầy tính sáng tạo và nghệ thuật...
Quốc Khánh thực sự là chính mình khi không ngại thể hiện sự khác biệt |
Sáng tạo và phát triển công nghệ như một chiếc chìa khóa mở lối tương lai của những người trẻ như mình và vẽ nên một bức tranh nghề nghiệp hoàn toàn mới lạ cho xã hội. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, không chỉ không chỉ đơn thuần là khám phá và tiếp thu kiến thức mới, chúng mình còn có cơ hội để sáng tạo, khẳng định giá trị bản thân và làm nên thành công đáng nể trong những lĩnh vực công việc khác biệt với số đông”, Quốc Khánh bày tỏ.
Sẵn sàng kết bạn dù đó là bất kỳ ai cũng là một sự khác biệt của Khánh với nhiều bạn bè đồng trang lứa. Chàng trai trẻ cho rằng xung quanh chúng ta có rất nhiều người thú vị khác nhau và họ thực sự ảnh hưởng ít nhiều đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Do đó, Khánh luôn sẵn sàng kết bạn và học hỏi những cách suy nghĩ độc đáo của bất kỳ ai.
“Mình luôn tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm nhìn của bản thân bằng cách làm quen với những người bạn mới. Đó có thể là qua các trang mạng xã hội hay gặp nhau trực tiếp tại các câu lạc bộ, hội nhóm, các hoạt động ngoại khóa... Khi ấy vốn sống của bạn sẽ trở nên phong phú hơn và bạn có thể có nhiều sự sáng tạo khác nhau”, Quốc Khánh chia sẻ.
Dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ
Tốt nghiệp chuyên ngành kiểm toán ở trường đại học tên tuổi, sau đó đi làm ổn định tại một ngân hàng lớn với mức lương ổn định, nhưng Nguyễn Hoàng Thu Thảo (24 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chọn nghỉ việc để theo đuổi con đường trở thành nhiếp ảnh gia và designer.
Thu Thảo từng từ chối một công việc ổn định để theo đuổi đam mê |
“Khi mình có ý định nghỉ việc, phần lớn đồng nghiệp và bạn bè đều khuyên mình nên ở lại. Bố mẹ đã khá giận và cho rằng mình đã đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để lấy tấm bằng đại học, nhưng lại muốn đổi sang một công việc không liên quan đến chuyên ngành của mình thì thật sự rất lãng phí.
Mình cũng đã nghiêm túc suy nghĩ về quyết định của mình, và có lúc hoài nghi nếu mình làm sai. Tuy nhiên, nếu mình không theo đuổi đam mê của mình, mình sẽ không bao giờ được sống một cuộc đời ý nghĩa. Cuối cùng, mình quyết định từ bỏ công việc hiện tại và bắt đầu với đam mê trở thành nhiếp ảnh gia", Thu Thảo chia sẻ.
Tương tự, Trần Mạnh (22 tuổi) cũng chọn cho mình một lối đi khác biệt. Gia đình làm kinh doanh và muốn Mạnh theo học kinh tế, bản thân chàng trai trẻ cũng đạt điểm số rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng Mạnh đã thuyết phục bố mẹ để theo học ngành lập trình ở một trường đại học ngoài công lập.
Trần Mạnh chia sẻ: “Cả nhà không ai theo ngành lập trình để có thể tư vấn cho mình. Mọi người e ngại mình theo một hướng đi mới mẻ khác truyền thống gia đình, tương lai sẽ hối hận vì lãng phí thời gian nhưng từ sâu bên trong, mình nhận ra ngôn ngữ lập trình là thứ mình muốn theo đuổi để thể hiện thực hóa vô số ý tưởng có sẵn trong đầu. Sau đó, mình quyết tâm theo đuổi lĩnh vực lập trình”.
Thế hệ Z đang sẵn sàng vươn mình để trở thành những công dân sáng tạo |
Lựa chọn của Thu Thảo hay Trần Mạnh không hiếm trong thời thời điểm hiện tại, khi xã hội ngày càng phát triển và vùng an toàn đôi khi lại trở nên nguy hiểm. Bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi đam mê là một hành trình đầy thử thách và khó khăn. Nếu có đủ niềm tin và sự kiên trì, chắc chắn những người trẻ hiện đại sẽ bứt phá để trở thành những công dân thế hệ mới bản lĩnh và sáng tạo.