Gia Lai: Xử lý vi phạm giao thông "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"
Gần 100 doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch Gia Lai tại Hà Nội Xúc tiến, quảng bá du lịch Gia Lai tại TP Hồ Chí Minh |
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tuyên truyền cho thanh niên chấp hành quy định an toàn giao thông |
UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 1527/KH-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình mới, nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; Nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, của từng ngành, cơ quan, đơn vị; Khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai xử lý xe quá khổ, quá tải |
Cùng với đó, các đơn vị tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải...
Đặc biệt, các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.
Lực lượng chức năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn quản lý. Căn cứ tình hình thực tiễn, tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các loại phương tiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết xử lý, dừng hoạt động đối với các phương tiện hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.
UBND tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh thiếu niên, học sinh... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT.
Đồng thời, toàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị, nhất là thành phố Pleiku; Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông khoa học, hợp lý; Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố, xử lý nghiêm các vi phạm đi đôi với việc xây dựng, sắp xếp nơi trông giữ xe.