Gần 100 doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch Gia Lai tại Hà Nội
Hoạt động trên nhằm cụ thể hóa chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và Hà Nội với mục tiêu tăng cường khả năng liên kết, khai thác hiệu quả thị phần khách du lịch tiềm năng của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Gia Lai gặp gỡ, giao lưu với doanh nghiệp Hà Nội.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTT&DL Gia Lai trao đổi kết nối du lịch 2 tỉnh thành tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam |
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, quảng bá du lịch Gia Lai với thế mạnh về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và hệ thống dịch vụ, tạo sự gắn kết doanh nghiệp giữa 2 địa phương cũng như thu hút sự liên kết, hợp tác đầu tư từ doanh nghiệp TP Hà Nội trong việc khai thác các sản phẩm du lịch Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Gia Lai phục hồi sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Những năm gần đây, du lịch Gia Lai đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch Tây Nguyên, với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch ưa thích su lịch sinh thái - văn hóa.
Là địa phương có lợi thế về sinh thái rừng với cảnh quan thiên nhiên đẹp như Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Mơ, thác 50, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng... Gia Lai còn là cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa bản địa người Jrai, Bahnar. Hiện, di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESSCO công nhận.
Với lợi thế trên, tỉnh Gia Lai xác định du lịch cộng đồng, sinh thái là định hướng chính trong phát triển du lịch của địa phương.
Không chỉ có cảnh quan, văn hóa đa dạng đặc sắc, Gia Lai còn có rất nhiều các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị cao: Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; một số di tích lịch sử: Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ), Làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), Căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang)…
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang nét đặc trưng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được duy trì thường xuyên qua các năm như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Pleiku), “Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang (huyện Kbang)…
Bên cạnh đó, sự phong phú đa dạng trong ẩm thực, như Phở Khô Gia Lai, bò một nắng, các món ăn đường phố… tin rằng du lịch Gia Lai sẽ luôn mang lại cho du khách cảm giác bình yên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, trải nghiệm văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc, con người thân thiện
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch gần như tê liệt, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch trong hai năm (2020, 2021) của Gia Lai chỉ mới sấp xỉ gần 40% của năm 2019.
Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, khách nội địa ước đạt 947.500 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Do vậy hoạt động xúc tiến du lịch vào thời điểm này sẽ góp phần giúp ngành du lịch Gia Lai phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 tại Hà Nội” là dịp để Gia Lai giới thiệu những chương trình du lịch đặc sắc, chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển đến doanh nghiệp Hà Nội, trên cơ sở đó doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, liên kết, trao đổi khách.
Tại hội nghị này, những tour tuyến mới sẽ hình thành, hoàn thiện từ những đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp du lịch góp phần tăng cường trao đổi khách, tăng lượng khách giữa hai địa phương, cùng với đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa ra các yêu cầu cụ thể để mang đến chất lượng đảm bảo với mức giá hợp lý”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng cũng khẳng định, để vực dậy hoạt động du lịch của địa phương nói riêng và cả nước nói chung sau thời gian dài đình trệ do đại dịch COVID-19, bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền thì sự chung tay của doanh nghiệp có yếu tố quyết định. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tư duy lại về cách thức, phương thức làm du lịch để đảm bảo ngành kinh tế này phát triển hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho cộng đồng, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, năm 2019 Hà Nội đón 28,95 triệu lượt khách, trong đó thị phần khách quốc tế đến Hà Nội chiếm 39% so với cả nước; khách du lịch nội địa đến Hà Nội chiếm 26,4% trên tổng lượng khách du lịch nội địa đi lại giữa các địa phương trên toàn quốc.
Trong 11 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 17,02 triệu lượt, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón 1,27 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đón 15,75 triệu lượt. Điểm đến TP Hà Nội luôn nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế uy tín, năm 2022, Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới”.
“Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội đến Gia Lai ngày một tăng lên. Những năm qua, TP Hà Nội và tỉnh Gia Lai đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch", ông Hiếu khẳng định.
Thác Phú Cường với vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ (ảnh IT) |
Xu hướng du lịch năm 2022 cho thấy, mọi người đang mong chờ nhiều chuyến đi hơn để “bù đắp khoảng thời gian đã mất” và dự định chi tiêu nhiều hơn hoặc tương đương cho các chuyến du lịch vào năm 2022 so với một năm điển hình trước đại dịch.
Với sự phục hồi khả quan của du lịch nội địa, hứa hẹn sẽ mang đến những cú hích mới cho các địa phương trong đó có Hà Nội và Gia Lai, thúc đẩy doanh nghiệp ý thức nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, đề cao tinh thần liên kết cùng phát triển.
Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 139 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 91 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách cùng với 2 công ty lữ hành quốc tế và 7 công ty lữ hành nội địa.