Giải phóng mặt bằng tuyến đường đê Trần Khát Chân (Hà Nội): Dân sốt ruột chờ được di dời
|
Được khởi công xây dựng từ ngày 14 /2/ 2014, do Ban Quản lí dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, nhưng đến nay, tuyến đường đê Trần Khát Chân, nối từ phố Lò Đúc tới Lãng Yên nằm trong dự án đường vành đai I (Đoạn ô Đông Mác- Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa được "giải phóng". Hàng trăm hộ dân sống trên tuyến đường này đang thấp thỏm từng ngày chờ được dời đi.
Muốn đi nhưng còn phải đợi
Từ ngày nhận được tin sẽ phải di dời, bà Đỗ Thị Thảo, số nhà 9, tổ 9 Phường Bạch Đằng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội vội vã gấp rút tìm mua nhà mới. Nhanh chóng đặt tiền cọc khi tìm được nhà ưng ý, tưởng rằng sẽ được đền bù sớm và di dời luôn, thế nhưng nhiều tháng trôi qua, gia đình bà vẫn phải chờ đợi.
"Lúc đầu chúng tôi được thông báo là sẽ di dời hết trong khoảng tháng 5 tháng 6/2014 nhưng rồi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, từ đó đến nay cứ thi thoảng lại lác đác vài hộ được nhận tiền đền bù. Gần đây nhất chúng tôi nhận được thông báo tháng 9 này sẽ giải tỏa nốt các hộ còn lại nhưng đến giờ đã gần hết tháng 9 rồi chúng tôi vẫn không nhận được tiền đền bù để chuyển đi, mà cũng chẳng nói lí do, chỉ báo hoãn thôi".
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều gia đình được chuyển đi khiến bà Thảo càng thêm phần sốt ruột: "Tôi đã đặt tiền cọc 2-3 tháng nay rồi mà nghe bảo từ giờ đến tết mới đi, khéo mà mất tiền đặt cọc. Bản thân gia đình tôi có 7 người chen chúc trong căn nhà lụp xụp như túp lều, cũng muốn thoát cảnh sống này lâu rồi. Chúng tôi không thắc mắc gì, Nhà nước chi trả bao nhiêu chúng tôi xin để mua nhà ở chỗ khác ở cho an toàn. Chiều đến, từng đoàn xe đi bụi mù, cháu nhỏ đi ra đi vào rất nguy hiểm".
Điều bà Thảo và những hộ dân nơi đây "băn khoăn" là không hiểu vì vướng mắc gì, công tác giải phóng mặt bằng ở đây bị đình trệ, việc di dời không diễn ra đồng bộ mà lâu lâu lại rải rác một số hộ di dời. Sốt ruột, nhiều gia đình tự chuyển đi rồi khóa cửa để đó.
Nhà bà Thảo nằm lọt thỏm trong ngõ đi vào nhỏ hẹp, hai bên là căn nhà đã chuyển đi, bị đập nham nhở chỉ còn trơ lại bộ khung. Mùa mưa bão, gia đình lại thấp thỏm cả đêm ngày vì ngôi nhà đang ở cũng có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.
Kinh doanh trong những ngôi nhà chờ đổ
Đi dọc hai bên tuyến đường, xen lẫn những ngôi nhà còn nguyên vẹn xuất hiện những ngôi nhà bị đập dở dang. Việc dỡ bỏ những ngôi nhà sau khi đền bù không theo đúng thứ tự, mỗi chỗ dỡ một tí, nhà đập dở xen lẫn nhà còn nguyên khiến khung cảnh nơi đây trở nên nham nhở, mất mĩ quan và ảnh hưởng đến đời sống của những người dân còn sinh sống nơi đây. Những ngôi nhà bị đập hết, trở thành nơi tập kết rác gây mất vệ sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Có những ngôi nhà vẫn còn để lại bộ khung được người dân "mượn" làm nơi kinh doanh buôn bán. Trong những khung nhà trống hoác, thậm chí không có mái che có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào là hàng ăn, cửa hàng mũ bảo hiểm, cửa hàng hoa, thậm chí là nơi đỗ xe...
Bất chấp những căn nhà bị xuống cấp và đập phá đến quá nửa, hàng chục hộ dân vẫn cố bám trụ làm nơi ở hoặc kinh doanh buôn bán. Tại ngã ba giao cắt giữa phố Lương Yên, đê Trần Khát Chân, ngôi nhà hai tầng đập dở, tường nứt nẻ, đứt lìa thế nhưng một hộ kinh doanh mũ bảo hiểm vẫn ung dung ngồi trong đó bán hàng. Trong khi đó tại nút giao Trần Khát Chân và Lò Đúc, cảnh tượng cũng hoang tàn nham nhở bời nhiều hộ dân vẫn cố bám trụ trong những ngôi nhà đã bị đập bỏ.
|
Kinh doanh với tử thần trong những ngôi nhà chờ sập
Nguy hiểm hơn nữa, dưới những “bức tường tử thần” này lại là đường dân sinh, hẻm đi lại của hàng trăm hộ dân khác. Vào những giờ cao điểm, con đường này có hàng trăm người đi lại… Thế nhưng những “cái bẫy tử thần” này không hề có tường rào bảo vệ hay những biển cấm nguy hiểm để cảnh báo người dân.Người buôn bán thì liều để kiếm sống, còn những hộ dân khác sống trong cảnh mất an toàn nhà ở, có nhiều người chưa nhận được quyết định di dời, chưa được đền bù nhưng cũng đã tự động chuyển đi để tránh họa. Ngược lại có người lại cố thủ sống trong những ngôi nhà bị đập gần hết giữa những ngôi nhà đã bị đập sạch...
Ông Nguyễn Văn Bình, phuờng Thanh Lương cho biết: "Việc đền bù đã tiến hành gần 1 năm nay nhưng nay vài gia đình đi mai vài gia đình đi khiến cho chúng tôi sinh sống ở đây phải chịu cảnh sinh hoạt rất bẩn thỉu, nhất là những gia đình sống bên cạnh những ngôi nhà đã bị đập, không được an toàn, bụi bẩm rác rưởi rất hôi hám. Chưa nói đến mùa mưa bão".
Bên cạnh đó, đoạn đường đê Trần Khát Chân từ ngã tư giao cắt Lò Đúc đến đoạn giao cắt phố Lương Yên còn xuống cấp trầm trọng. Mặt đường xuất hiện nhiều ở voi, ổ gà, có đoạn chỉ toàn đá, gạch đầy nguy hiểm. Có thể nói con đường dài 600 mét này đầy rẫy những “bẫy chết người” rình rập người dân sống và đi qua đây.
Công tác GPMB và tái định cư cho hộ dân sau giải tỏa đã khiến việc giải phóng mặt bằng bị đì trệ, khiến cảnh quan nơi đây trở thành bức tranh "nham nhở" gây mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có phương án đền bù và GPMB nhanh chóng để người dân được ổn định cuộc sống.
Tú Linh
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Buông lỏng quản lý đất đai, truy trách nhiệm lãnh đạo

Quyết liệt nghiêm trị vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập

Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng

Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh về quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Huế rà soát việc kinh doanh sữa trong bệnh viện và trên thị trường

TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra mặt hàng sữa

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
