Giám sát doanh nghiệp nhà nước: Cần đột phá hay dò đá qua sông?
Ảnh minh họa.
Thực trạng đáng suy ngẫm từ buổi hội thảo
Dẫn báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa công bố thời gian vừa qua, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) nêu "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp" đồng thời cho biết trong giai đoạn 2011 – 2016, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của khối DNNN giảm đáng báo động (ROE giảm 39%, từ mức 16,4% năm 2012 xuống mức 10,0% năm 2016, ROA giảm 30% từ mức 6,5% năm 2012 xuống mức 4,6% năm 2016). Số liệu tài chính hợp nhất năm 2016 cho thấycó đến 23 trong tổng số 91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng.
Đi tìm nguyên nhân cho vấn nạn này, CIEM đưa ra 02 thành tố chính là (i) Quy định của pháp luật, và (ii) Vấn đề bộ máy, công cụ và cách thức triển khai thực hiện giám sát. Cụ thể hơn là sự thiếu thống nhất về nội hàm/khái niệm/phạm vi hoạt động giám sát của chủ sở hữu, trong đó có sự chồng lần giữa chức năng giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành mặc cho hành lang pháp lý đã có nhiều quy định.
Dẫn ra ví dụ về tổ chức giám sát hiện nay đối với PVN, CIEM chỉ rõ hiện có 05 cơ quan cấp bộ giám sát đơn vị này, trong đó Bộ Công thương là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (phối hợp giám sát tài chính), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phối hợp giám sát mục tiêu, chiến lược), Bộ Nội vụ (phối hợp giám sát công tác cán bộ) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (phối hợp giám sát lao động, tiền lương).
Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin, thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và cách thức thực hiện đánh giá kết quả thực hiện cũng là vấn đề cần đặt ra.
Kết thúc phần trình bày, CIEM đưa ra 04 kiến nghị về xây dựng “Big data” cho DNNN, áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ quốc tế, tập trung quyền sử hữu gắn với tập trung trách nhiệm và kiến nghị làm rõ cơ chế giám sát đối với cơ quan chủ sở hữu.
Tham gia hội thảo với tư cách là chuyên gia phản biện, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ về vấn đề này. Theo đó, bà kiến nghị thu hẹp số lượng, quy mô DNNN, minh bạch hóa quyền, trách nhiệm cơ quan chủ sở hữu, tách triệt để chức năng quản lý vốn với quản lý chuyên ngành và tăng cường vai trò của cơ quan dân cử trong việc giám sát doanh nghiệp và giám sát cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Hội thảo cũng lắng nghe một số ý kiến của Chuyên gia tư vấn chính sách của Aus4reform Raymond Mallon về thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp nhà nước và ý kiến của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên về quan điểm về cùng vấn đề. Bên cạnh đó, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cập nhật một số nội dung mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang triển khai, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Vì đâu nên nỗi?
Là người từng tham gia quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tôi có cơ hội tham gia buổi hội thảo này. Do giới hạn về thời gian, tác giả không có cơ hội để chia sẻ góc nhìn của vấn đề này. Nay, xin đưa ra thêm một số khía cạnh để làm phong phú thêm các nhận định, đánh giá.
Trước hết, cần đặt ra ngay một câu hỏi: Vì sao giai đoạn 2011 – 2016 vừa qua, kết quả kinh doanh (thể hiện qua các chỉ số cơ bản như ROE, ROA nêu trên) của DNNN giảm sút tương đối nghiêm trọng nhưng kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, viên chức quản lý doanh nghiệp và người đại diện phần vốn nhà nước đều tốt, có rất ít thông tin về xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành kết quả kinh doanh …?
Điều này là minh chứng cụ thể cho một hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động chúng ta đang có là máy móc, là không thực chất nếu không muốn nói là mang nặng tính hình thức. Mô hình đánh giá của chúng ta hiện nay là phê duyệt, giao chỉ tiêu kế hoạch đầu kỳ và cuối kỳ đối chiếu kết quả với kế hoạch để đánh giá. Xem qua, dường như hợp lý. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan chủ sở hữu gần như không chịu áp lực nào trong việc giao chỉ tiêu, và vì vậy, không có động cơ để tạo sức ép lên doanh nghiệp. Có hiện tượng nể nang (nếu không muốn nói là xin cho) trong việc phê duyệt, giao chỉ tiêu cho doanh nghiệp. Lẽ ra, trong vai trò là cơ quan quản lý tài chính quốc gia, Bộ Tài chính phải là cơ quan tham mưu cho Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ phải ấn định chỉ tiêu lợi nhuận cho cơ quan chủ sở hữu (thay vì tham gia rà soát kế hoạch tài chính cụ thể của từng doanh nghiệp nhà nước như quy định hiện nay tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP). Nếu chúng ta thực sự có sức ép này, quá trình quản trị điều hành doanh nghiệp sẽ được cải thiện, thậm chí, việc thay máu trong quản trị doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Khía cạnh thứ hai cần xem xét lại đó là sự chồng chéo về việc tổ chức giám sát. Như đã mô tả ở Hội thảo, hiện tại, các tập đoàn nhà nước đang được cả 05 cơ quan cấp bộ phối hợp thực hiện giám sát. Cơ chế này nghe qua rất hợp lý; tuy nhiên, thực tế tạo ra không ít điều tréo ngheo, lắt léo, chậm trễ và kém hiệu quả.
Một ví dụ cụ thể để thấy rõ là việc phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm cho các tập đoàn, tổng công ty. Về mặt quy trình, doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch gửi chủ sở hữu. Chủ sở hữu sẽ rà soát để phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi phê duyệt, cơ quan chủ sở hữu nhà nước phải xin ý kiến Bộ Tài chính (về từng khoản thu, chi và kế hoạch lợi nhuận); xin ý kiến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (về lao động, tiền lương). Quá trình xin ý kiến diễn ra không thuận lợi, mỗi bộ ngành một ý. Vì vậy, cơ quan chủ sở hữu rất khó khăn khi tổng hợp, giao chỉ tiêu kế hoạch. Thông thường, quá trình này kéo dài. Thực tế, việc chấp hành kế hoạch tài chính được giao là linh hoạt, các doanh nghiệp không thể bám sát kế hoạch kinh doanh một cách cứng nhắc. Trong quá trình kinh doanh, họ chủ động điều hòa trong kế hoạch. Chốt cuối cùng vẫn là lợi nhuận. Vì vậy, suy cho cùng, việc soát xét kế hoạch tài chính một cách chi li là không cần thiết. Vấn đề là, khi soát xét, cơ quan chủ sở hữu có cơ sở hơn trong quá trình giao chỉ tiêu lợi nhuận mà thôi.
Cuối cùng, một vấn đề cũng cần đặt ra là nội dung giám sát. Dường như đang còn sự thiếu liên kết trong việc xác định nội dung và phạm vi giám sát. Theo quy trình, cơ quan chủ sở hữu phải giao chỉ tiêu giám sát, 03 trong 05 chỉ tiêu giám sát là liên quan đến tài chính (Doanh thu, Lợi nhuận sau thuế, ROE và Nợ phải trả quá hạn…). Để xác định được các chỉ tiêu này, cơ quan chủ sở hữu (và đương nhiên cả các bộ ngành liên quan?) phải soát xét kế hoạch tài chính. Tuy nhiên, đây lại là 02 nội dung được quy định riêng rẽ trong 02 văn bản pháp lý: Nghị định 87/2015/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Cần đột phá nhưng lại phải dò đá qua sông
Tại Buổi Hội thảo nêu trên, Viện trưởng CIEM đã đặt vấn đề cần đột phá trong quản lý và giám sát doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như mong muốn này gặp không ít rào cản. Đặc biệt là trong quá trình thành lập và xây dựng cơ chế vận hành cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ chế công chức – viên chức vẫn sẽ hiện diện tại “Siêu Ủy ban” này. Theo dự thảo Nghị định về hoạt động của Ủy ban được công bố, cơ chế tài chính, cơ chế lương sẽ cơ bản không có cái gọi là “đặc thù” để tạo ra đột phá.
Những chuyên gia tham gia xây dưng cơ chế cho Siêu Ủy ban hẳn sẽ còn trăn trở cho một cơ chế đột phá như kỳ vọng ban đầu nhưng do còn nhiều điểm vướng, vậy nên, trước mắt vẫn phải dò đá quá sông. Viên đá đầu tiên, có lẽ là để Ủy ban chính thức đi vào hoạt động và rồi … sẽ tính tiếp./.