Giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công ở quận Thanh Xuân
Quận Thanh Xuân tập trung tuyên truyền, kiểm soát về an toàn thực phẩm Trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đảng viên quận Thanh Xuân |
Đoàn giám sát khảo sát thực tế dự án nhà ở chung cư cao tầng phục vụ giải phóng mặt bằng tại điểm X2, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. (Ảnh Việt Tuấn) |
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, toàn quận có 69 đơn vị trực thuộc được giao quản lý tài sản công là nhà đất, trong đó có 15 đơn vị hành chính, 54 đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội.
Về đất, toàn quận có 190 khuôn viên đất, với tổng diện tích hơn 307.000m2, trong đó, 143 khuôn viên đất đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt sắp xếp theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007. Về nhà, toàn quận có 334 trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp có diện tích hơn 311.000m2.
Nhìn chung, công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị thuộc quận được thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản.
Nhiều thành viên Đoàn giám sát đánh giá, mặc dù quận đã làm tốt công tác quản lý tài sản công là nhà, đất, song trên địa bàn hiện có 8 nhà văn hóa cấp phường chưa được đưa vào danh mục; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng tài sản công chưa được chú trọng. Việc quản lý nhà tái định cư vẫn còn một số tồn tại trong công tác bảo trì, thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản công theo đúng quy định, báo cáo đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố.
Để làm tốt công tác quản lý tài sản công là nhà, đất, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị Sở Tài chính thời gian tới tập trung tham mưu, xây dựng, hoàn thiện đề án cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công, trình UBND thành phố xem xét ban hành.
Đối với một số ý kiến của các địa phương về việc cần có sự điều chỉnh trong phân cấp quản lý tài sản cho phù hợp thực tế, đặc biệt là việc liên doanh, liên kết để sử dụng có hiệu quả tài sản công, tránh xảy ra sai phạm, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ kiến nghị và có báo cáo cụ thể với HĐND thành phố. Đồng thời, đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, đề xuất đối với những khu đất xen kẹt để sử dụng làm thiết chế văn hóa.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Xây dựng rà soát, có phương án tham mưu, báo cáo xử lý vướng mắc, giải quyết dứt điểm, nghiêm túc xử lý sai phạm tại những khu nhà tái định cư về diện tích sử dụng chung, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận buổi giám sát |
Đối với quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố yêu cầu, thời gian tới, quận tiếp tục rà soát toàn bộ tài sản, diện tích, tổng hợp để báo cáo đầy đủ, chi tiết; Xây dựng phương án của quận trong trường hợp chưa có phân cấp của thành phố; Trong quá trình thực hiện, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh.
Đặc biệt, quận cần rà soát, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các vị trí, địa điểm chưa có giấy chứng nhận; Rà soát, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố để trình UBND thành phố sớm phê duyệt phương án sắp xếp 19/71 cơ sở còn lại.
HĐND quận Thanh Xuân tiếp tục cùng HĐND thành phố giám sát và đồng hành với UBND quận để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý này, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đề xuất tháo gỡ.