Giảm thiểu rác thải nhựa: Cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm
Bài liên quan
Quảng Nam - Đà Nẵng: Cần vào cuộc quyết liệt xử lý vấn đề rác thải
Vì Hà Nội không rác thải nhựa – Hành động của cả cộng đồng!
Ra mắt dự án về giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội
Nỗ lực chống rác thải nhựa trên thế giới
Đó là chia sẻ của GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Túi nilon và chất thải nhựa dùng một lần: Tác hại và giải pháp” do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức ngày 20/12.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: Công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon trong những năm gần đây luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp và Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bằng việc tổ chức cuộc tọa đàm, Báo mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia, các sở ban ngành để có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của người dân Thủ đô, đặc biệt góp phần vào việc hạn chế rác thải nhựa mà thành phố sẽ triển khai trong năm 2020.
Trả lời băn khoăn của người dân về thực trạng, đa số các cơ sở sản xuất túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đều là các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán và dùng công nghệ thô sơ nên khó quản lý, bà Nguyễn Thị Hưởng - Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay, trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện điều tra tình hình hoạt động sản xuất của các nhà máy, cơ sở sản xuất nhựa, túi nilon khó phân hủy để làm cơ sở đánh giá hiện trạng.
Bà Hưởng đề xuất các giải pháp như: Đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào khu, cụm công nghiệp để dễ quản lý; Chấm dứt hoạt động những cơ sở tự phát, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân để đảm bảo an sinh xã hội; Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển đổi áp dụng công nghệ hiện đại và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy…
Về việc quản lý các phòng khám tư nhân trong việc sử dụng và xả thải rác y tế bằng nhựa, ông Vũ Duy Hưng - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội thông tin, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có trên 3.900 phòng khám tư nhân. Theo phân cấp các phòng khám đều được phòng y tế quận, huyện và các UBND xã phường thị trấn phối hợp quản lý. Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban của Sở phối hợp với các phòng y tế để thực hiện kiểm tra giám sát đối với các phòng khám tư nhân. Trong đó, có việc quản lý chất thải y tế. Sở Y tế sẽ thực hiện nghiêm túc xử lý đối với các phòng khám tư nhân nếu phát hiện sai phạm trong đó có việc xả thải ra môi trường rác thải y tế (có thể đình chỉ, thu hồi, tạm dừng hoạt động).
Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm 3 giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ. Kinh tế tuần hoàn tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Bàn về giải pháp kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế túi nilon, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.
Hiện nay, túi nilon dùng một lần đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước. Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng). Kể từ tháng 4/2019, Chính phủ Campuchia bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 Riel (khoảng 2.300 đồng) cho một túi nilon. Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất hoặc sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam.
Theo bà Chi, chúng ta cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường hoặc khắc phục nhược điểm khó phân hủy của nhựa. Nghiên cứu tại Đại học Bách Khoa đã bước đầu thành công nghiên cứu nhựa có thể phân huỷ hoàn toàn ra CO2 và nước, tiến tới sẽ có đề tài hỗ trợ hoàn thành và nhân rộng dự án.
“Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc tuyên truyền và thay thế sử dụng nhựa bằng lá chuối, lá rong ở siêu thị, một phần giúp tạo ý thức cho người dân nhưng sẽ không bền vững bởi không phải vùng nào cũng cung cấp được số lượng lớn sản phẩm thay thế nhựa. Do đó, chúng ta cần tiến tới nghiên cứu sản phẩm thay thế có tính chất như nhựa nhưng phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên. Điều này đòi hòi sự nỗ lực từ các nhà khoa học và sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn”, bà Chi nhấn mạnh.