Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường Bảo tồn giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội Phát triển công nghiệp văn hoá: Đâu là những trụ cột? |
Quan điểm trên được nhiều nhà khoa học thảo luận sôi nổi liên quan đến chủ đề "Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập" tại Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 - ICCE 2024 diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và các đối tác trong và ngoài nước tổ chức.
“Liên văn hóa” - một quy luật phát triển của văn hóa
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Thái Kim Lan cho rằng, không chỉ là sự tiếp xúc, liên văn hóa chủ yếu là sự tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới sự phân tích, chọn lựa, hiệu quả giao tiếp, tiếp thu những tri thức mới để tạo ra các giá trị văn hóa mới - kết quả của sự giao thoa văn hóa.
Giáo sư Thái Kim Lan nhấn mạnh về giá trị của liên văn hóa trong bối cảnh hiện nay |
Vì giao tiếp làm nên văn hóa, đồng thời văn hóa làm nên giao tiếp, do vậy thuật ngữ liên văn hóa thực chất là giao tiếp liên văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên văn hóa mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa, hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa.
Là một xu hướng tất yếu, liên văn hóa không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu.
Như vậy, có thể khẳng định, liên văn hóa nhằm mục đích thúc đẩy giao tiếp giữa các nền văn hóa khác nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập của mỗi dân tộc vào một thế giới chung.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế phát biểu tại Hội thảo |
Theo TS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, sự tương tác giữa các nền văn hóa là không thể tránh khỏi.
Chính quá trình đó đã làm đào thải đi những giá trị không còn phù hợp. Nhưng bằng một cách nào đó, cũng chính quá trình này lại thúc đẩy đối thoại và tương tác giữa các nền văn hoá để tạo ra những giá trị mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Đối với Việt Nam, trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi đất nước bước vào “kỉ nguyên vươn mình của dân tộc”, văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, là giá trị bản ngã để khẳng định một dân tộc Việt Nam hùng cường sánh vai với bè bạn năm châu.
Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 - ICCE 2024 đã thu hút nhiều chuyên gia và các nhà khoa học |
Do vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc trên nền tảng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cũng như cùng tồn tại trong sự tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa không chỉ đặt lên vai của những người làm công tác văn hóa mà của chính chúng ta, những nhà khoa học, nhà giáo dục của các trường đại học, nhất là của các trường sư phạm.
“Hi vọng rằng, hội thảo của chúng ta sẽ ngày càng mở rộng và đến lúc nào đó cũng sẽ trở thành một giá trị văn hóa, đóng góp chung vào việc bảo tồn và phát huy vai trò của Liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập mà kết quả hội thảo ngày hôm nay của chúng ta chính là minh chứng cho những giá trị đó”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng nói.
Thúc đẩy giáo dục liên văn hóa trong các trường Đại học
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội khẳng định: “Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 sẽ mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, góp phần thúc đẩy giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập”.
PGS.TS Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo năm nay thu hút 150 tham luận, bao gồm các học giả, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các tham luận đã bộc lộ sự quan tâm tha thiết về phạm trù liên văn hoá, điều đó cho thấy nhu cầu bức thiết của vấn đề này đối với sự hiện tồn của cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Tại hội thảo, sẽ có 83 tham luận và phân thành các nhóm: những vấn đề chung về liên văn hoá; liên văn hoá và vấn đề địa chính trị; liên văn hóa trong lĩnh vực giáo dục; liên văn hoá trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
PGS.TS Trần Huyền Sâm báo cáo đề dẫn Hội thảo |
Các bài tham luận đã thảo luận về những thách thức và cơ hội của giáo dục liên văn hóa trong ASEAN, sự thích ứng văn hóa của Việt Nam trong toàn cầu hóa, và vai trò của giáo dục liên văn hóa trong các lĩnh vực như nghệ thuật, ngôn ngữ…
Đồng thời, hội thảo cũng đề cập đến các mô hình giáo dục liên văn hóa, giáo dục STEAM, và các giá trị văn hóa trong giáo dục phổ thông và đại học.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Ngoài ra, các diễn giả sẽ trình bày về giao lưu văn hóa Việt - Pháp, di sản văn hóa Âu - Mỹ ở Philippines, và sự phát triển của giáo dục liên văn hóa trong các trường đại học và cộng đồng. Hội thảo nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo PGS.TS Trần Huyền Sâm, thành công của hội thảo lần này không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu về chủ đề Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập mà còn mở ra nhiều vấn đề gay cấn để tiếp tục bàn cãi, tranh biện về phạm trù liên văn hoá - trong những điều kiện mới đầy thách thức. Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V năm 2024 - ICCE sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày 7 - 8/12/2024. |