Phát triển công nghiệp văn hoá: Đâu là những trụ cột?
Lưu truyền và quảng bá các giá trị văn hóa thông qua ẩm thực Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại Cà Mau Lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam ra thế giới |
Sáng 5/12, Báo Người Lao động tổ chức toạ đàm: “Phát triển công nghiệp văn hoá: Đâu là những trụ cột?”. Toạ đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, chuyên gia ngành Văn hoá - Nghệ thuật, cùng nhau bàn bạc tìm ra phương hướng, cách thức phát triển lĩnh vực.
Hãy coi văn hoá cũng là hàng hoá
Đặt vấn đề, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, công nghiệp văn hóa giúp đột phá trong việc phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta vẫn chưa đủ coi trọng văn hóa, chỉ xem là "cờ đèn kèn trống", thuần túy là lĩnh vực liên quan đời sống tinh thần, đạo đức, không trực tiếp tạo ra vật chất cho xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sản phẩm văn hóa thực chất vẫn là hàng hóa. Hàng hóa thì phải vận động theo thị trường, chú ý đến công chúng, phát triển thương hiệu, tập trung nhiều phát triển công nghiệp văn hóa, sử dụng tài năng sáng tạo, kết hợp nguồn lực văn hóa, kỹ năng kinh doanh tạo ra dịch vụ văn hóa...
“Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm văn hóa tuân theo kinh tế thị trường mới bền vững. Chúng ta phải chú ý quy luật thị trường để tạo ra sản phẩm vì người Việt Nam, cho người Việt Nam, tiến ra thế giới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu mở đầu (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tương tự, TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động lấy dẫn chứng: "Nhóm nhạc BTS Hàn Quốc, khán giả sưu tập ảnh, mua album, tham dự đêm nhạc, ra nhiều sản phẩm khác của họ ồ ạt. Riêng nhóm này đã mang lại 5 tỉ USD cho Hàn Quốc mỗi năm. Thế thì, tại sao chúng ta không làm? Dân số chúng ta đông hơn Hàn Quốc, văn hoá nếu nói khiêm tốn thì không thua gì, vậy tại sao ta không làm được như họ?”.
Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, tọa đàm lần này chính là để nhìn lại diện mạo công nghiệp văn hóa trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, có sự tác động đến Việt Nam, trong đó TP Hồ Chí Minh dù có tiềm năng lớn nhưng mức độ phát triển và hiệu quả khai thác công nghiệp văn hóa còn nhiều hạn chế.
TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động mong muốn nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu chuyên gia nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hoá phát triển (Ảnh: Hoàng Triều) |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, muốn văn hoá phát triển thì truyền thông đóng vai trò không nhỏ, như là trụ cột phát triển.
“Truyền thông với vai trò đi trước, tạo tính tò mò… sẽ góp phần tạo nên giá trị cao hơn, tạo ra nền tảng cho các sản phẩm văn hoá phát triển”, đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi nói.
Doanh nghiệp, báo chí cùng chung tay phát triển văn hoá
Tham dự tọa đàm, đồng chí Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền - Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề xuất các doanh nghiệp nên liên kết với báo chí một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn, nhằm mang đến cho công chúng những thông tin bao quát về các sản phẩm văn hoá, tạo điều kiện trao đổi với các đối tác quốc tế, thúc đẩy công nghiệp văn hoá và mang lại những ý nghĩa thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Lê Vân, Phó Trưởng phòng Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các công ty quản lý, con người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan giám sát và đối tượng thụ hưởng... nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế công nghiệp văn hóa đang gặp phải.
Đồng chí Nguyễn Lê Vân, Phó Trưởng phòng Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tương tự, Phó trưởng Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Hằng thông tin, Sở đã có những đề án, chương trình nhằm giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, kinh phí, giấy phép… cho công nghiệp văn hoá
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hằng nói thêm, TP Hồ Chí Minh hiện đang nỗ lực gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh, qua đó có thể cộng hưởng nguồn lợi, sáng kiến, lợi ích từ mạng lưới mang lại.
Hiến kế để văn hoá phát triển
Đóng góp ý kiến tại toạ đàm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, ngành Văn hoá mà kiếm được tiền để "sống" là rất tốt, bởi khi văn hoá phát triển, các ngành dịch vụ khác cũng được "nhân lũy thừa".
Vị đạo diễn lấy ví dụ: "Chẳng hạn như vào những năm 2000, hầu như không có toà nhà nào đầu tư rạp chiếu phim vì lợi nhuận mang lại không cao. Nhưng khi điện ảnh phát triển, các nhà đầu tư lại tiếc nuối bởi nhờ các rạp phim mà các dịch vụ khác như ăn uống, mua sắm… phát triển hơn".
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đóng góp ý kiến (Ảnh: Hoàng Triều) |
Còn theo đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (IKFCPC/ITI), chúng ta đang xử lý kinh phí cho văn hoá chưa đúng, không mang lại sức bật cho ngành Công nghiệp văn hoá. Ngoài ra, cơ chế phát triển theo hướng phong trào văn hoá thay vì đời sống văn hoá là không còn phù hợp, đời sống văn hóa đúng nghĩa của xã hội công nghiệp văn hoá là cơ chế công bằng.
"Công bằng tạo ra môi trường hoàn toàn bình đẳng. Các sân khấu tham gia "đấu thầu", đăng ký để được duyệt các dự án được cơ quan chức năng ấn hành hàng năm. Dự án phải hiệu quả, đi vào lòng công chúng chứ không phải Nhà nước tài trợ một năm chừng đó tiền cho nhà hát mà hoạt động không hiệu quả", đạo Lê Quý Dương nói.
Đồng tình quan điểm, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhìn lại thành phố chúng ta đã có công nghiệp văn hoá từ lâu và đã đạt được những con số nhất định. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ chế để các doanh nghiệp định hướng hướng đi đúng đắn và hệ thống".
CEO Công ty IME Việt Nam Phạm Đình Tâm đóng góp ý kiến: "Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ ngần ngại, chưa yên tâm khi được mời biểu diễn tại Việt Nam vì có quá nhiều thủ tục cần được cơ quan chức năng thông qua".
Với Nhà sản xuất, TS. Đỗ Tiến thì cho biết, vấn đề cần thiết bây giờ là phải kiểm duyệt các sản phẩm văn hoá nghệ thuật kỹ hơn, làm sao phải mang đến cho công chúng cái nhìn tích cực, rộng mở về văn hoá dân tộc.
Toạ đàm ghi nhận nhiều thông tin mới mẻ, quý giá về thực trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay, những điểm nghẽn, những khó khăn và thuận lợi. Các chuyên gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi, được các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận.