Giáo viên, học sinh mong được biết phương án thi vào lớp 10 sớm hơn dự kiến
15 học sinh Hà Nội giành huy chương Olympic Toán học trẻ quốc tế Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học đến 17h ngày 6/8 Học sinh Hà Nội đã "gặt" được 41 huy chương |
Lo lắng về kỳ thi tới
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ở kỳ thi tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm thu hút được những học sinh giỏi, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm học 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nghiên cứu, xây dựng công cụ hỗ trợ công tác tổ chức kỳ thi, đặc biệt là công cụ xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 các THPT; triển khai việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường THPT tư thục.
Học sinh Nguyễn Hoàng Như Mỹ (áo hồng) và Thái Bảo Uyên (áo vàng) |
Em Thái Bảo Uyên (14 tuổi, học sinh Trường THCS Khương Mai) cho biết: “Với phương án thi vào lớp 10 THPT theo Chương trình GDPT 2018, chắc chắn Sở sẽ có tính toán thay đổi về hình thức thi, môn thi phù hợp. Cá nhân em thấy việc cải cách sách hiện tại hơi khó so với sức học của học sinh hiện nay. Vì vậy, em mong muốn Sở GD&ĐT sẽ sớm có phương án dự thi vào lớp 10 phù hợp với chương trình học hiện tại để chúng em có thể nắm rõ được cách thức ôn tập, lên kế hoạch hoàn thành tốt trong kỳ thi”.
Còn đối với học sinh Nguyễn Hoàng Như Mỹ (sống tại phường Khương Mai), mong muốn lớn nhất của em là Sở GD&ĐT có thể sẽ giảm tải bớt lượng kiến thức, bởi với chương trình GDPT 2018, lượng kiến thức vốn đã mới song cũng đang rất nặng.
Như Mỹ hy vọng, phương án thi vào lớp 10 theo chương trình mới sẽ chỉ bao gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; hoặc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).
“Không nên thi 4 bài thi sẽ nặng nề, căng thẳng cho chúng em”, Mỹ cho hay.
Cùng mong muốn chỉ dự thi 3 môn, chia sẻ thêm với phóng viên, học sinh Nguyễn Bình An (sống tại quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THCS luôn có định hướng cho mình thông qua năng lực cá nhân, tư vấn hướng nghiệp của các thầy cô giáo và phụ huynh.
Vì vậy, em hy vọng mình nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ phía nhà trường, gia đình, giúp em xác định được mục đích của mình khi đăng ký tổ hợp môn ngay từ năm học lớp 10 để tránh phải thay đổi nguyện vọng ở những năm học sau”, Bình An nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 |
Song, để có thể làm tốt những điều đó, thầy cô cần hướng dẫn cho học sinh cách chọn tổ hợp môn một cách phù hợp với năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài 4 môn học bắt buộc ở cấp THPT: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử, thầy cô cần hướng dẫn cụ thể việc chọn các môn học khác còn lại trong chương trình giáo dục quy định.
Thầy cô bộ môn cũng nên dành thời gian chuyển tiếp để học sinh làm quen với phương pháp học chương trình mới, tích cực khuyến khích, động viên học sinh tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh, chủ động tích lũy, sáng tạo trong việc tìm kiếm xử lý thông tin đáp ứng yêu cầu mục tiêu bài học.
Thay đổi để tiếp cận kỳ thi “mới”
Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh quan điểm giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển về đức, trí, thể, mỹ, với quy định đánh giá học sinh dựa trên điểm trung bình của nhiều môn. Tuy nhiên, việc ra đề thi như thế nào cho phù hợp vẫn là 1 câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm.
Như tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Sở GD&ĐT đã công bố đề thi môn Toán với cách ra đề hướng vào ứng dụng thực tiễn.
Tuy nhiên, kết thúc môn thi này, nhiều thí sinh “than trời” vì đề môn Toán quá khó, các em không làm bài được, giáo viên cho rằng, thí sinh không làm được bởi do học sinh học theo mô típ cũ. Tức là cách dạy hiện nay của một số giáo viên là dạy theo kiểu "hàng ngang".
Một tiết dạy học theo chương trình GDPT 2018 tại Hà Nội |
Trước mỗi vấn đề là dạy liên tục, cho học sinh làm bài liên tục, có khi đến hàng chục bài giống nhau để các em quen với dạng đề, đến khi đi thi gặp dạng bài tương tự thì cứ thế mà làm. Cách học này sẽ rất rủi ro nếu gặp đề thi cho ra khác một chút thì học sinh không thể “tuỳ cơ ứng biến”, học sinh không biết cách vận dụng kiến thức một cách linh hoạt để giải quyết vấn đề.
Từ thực trạng đề thi môn Toán tại TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi vừa qua đã đặt ra 1 yêu cầu cấp thiết cho Thủ đô Hà Nội về việc cần có cuộc cải tổ cách dạy và học trong trường phổ thông, tránh cách dạy cũ vì sẽ không hình thành được năng lực tư duy và lập luận cho học sinh.
Thầy giáo Lê Ngọc Anh, giáo viên Trường THCS Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho rằng: “Để học sinh nắm chắc kiến thức và tự tin bước vào kì thi theo chương trình GDPT 2018, tôi xác định, việc lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho thí sinh là điều quan trọng”.
Vì vậy, ngay khi năm học kết thúc, thầy Ngọc Anh đã phân tích rõ nét để học sinh thấy được những điểm đổi mới trong chương trình GDPT 2018. Từ đó, giúp các em hiểu và rút ra được những bài học kinh nghiệm để thay đổi cách học của bản thân sao cho phù hợp.
Tiếp theo, dựa vào đặc thù từng môn sẽ có chiến lược ôn thi tương ứng, như đối với môn Ngữ Văn mà thầy Ngọc Anh phụ trách, thầy luôn xây dựng lộ trình cho học sinh theo từng dạng chuyên đề: Chuyên đề tiếng Việt; chuyên đề theo đặc trưng thể loại; chuyên đề rèn kĩ năng viết đoạn, viết bài văn (Nghị luận văn học và Nghị luận xã hội). Ở mỗi chuyên đề, thầy và trò cùng ôn kĩ lý thuyết đã học, đưa ra các phương pháp phù hợp với từng đặc trưng thể loại.
“Quan trọng hơn cả, có thể trong kì thi tới, đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa nữa, do vậy, điều này đòi hỏi học sinh phải có khả năng “thực chiến” tốt. Tôi thường mở rộng các ngữ liệu ngoài và hướng dẫn phương pháp cụ thể, rèn kĩ năng cho học sinh, tránh tình trạng “bị ngợp” khi thấy đề thi lạ”, thầy giáo Ngữ văn nhấn mạnh.
Thầy giáo Lê Ngọc Anh, giáo viên Trường THCS Khương Mai, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội |
Hay đối với môn Toán và các môn học tự nhiên, phải tuyệt đối tránh cách dạy “học tủ” như các dạng bài kiểu định ra các bước giải tường minh cho học sinh học thuộc. Điều này làm hạn chế sự tự do sáng tạo của các em, bó buộc tư duy khiến cho các em lúng túng khi gặp dạng toán "lạ".
Theo thầy Ngọc Anh, cần tăng khả năng đọc hiểu cho học sinh trong việc tìm hiểu dạng bài mới, hiểu và tóm gọn giả thiết, hiểu yêu cầu đề bài đặt ra bằng cách cung cấp các từ vựng về các lĩnh vực thực tiễn như tài chính, thống kê... Xen kẽ trong bài dạy là các ví dụ thực tế, gần gũi.
Đối với học sinh, các bạn cần học theo bản chất, hiểu đúng định nghĩa, khái niệm về đối tượng để sử dụng trong giải bài tập, tránh học thuộc công thức mà không biết sử dụng.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đang áp dụng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 theo phương thức "thi tuyển", theo đánh giá chung của thầy cô giáo, phương án tuyển sinh này là phù hợp đối với học sinh, giúp đánh giá đúng năng lực của mỗi thí sinh ứng tuyển.
“Tôi cho rằng, phương án xét tuyển hay phương án kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển là không phù hợp và chưa khả thi trong thời điểm này. Bởi lẽ, trong quá trình làm nghề và đặc biệt là quá trình ôn thi cho học sinh lớp 9, thầy cô đều dễ dàng nhận ra, chính từ những vất vả, khó khăn học sinh phải đổi mặt đã tạo nên những học sinh đầy bản lĩnh, cam đảm, mang trong mình ý chí, nghị lực, niềm tin, dám mơ ước và biến ước mơ trở thành hiện thực”, thầy Ngọc Anh nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT |
Nên công bố phương án thi sớm hơn dự kiến
Như mọi năm, Sở GD&ĐT Hà Nội thường công bố phương án thi vào tháng 3 để giáo viên, phụ huynh, học sinh nắm bắt và có kế hoạch ôn thi phù hợp. Nhưng năm nay, đổi mới chương trình dự thi, nhiều giáo viên trên địa bàn Thủ đô hy vọng, Sở GD&ĐT sẽ có quyết định công bố phương án thi sớm hơn dự kiến.
Cụ thể, về đề cương ôn tập, theo thầy Lê Ngọc Anh, Sở nên đưa ra đề mẫu tham khảo trong khoảng thời gian đầu năm học hoặc cuối học kì 1 để các thầy cô giáo có chiến thuật định hướng, ôn tập kĩ càng cho học sinh.
Điều này cũng sẽ giúp học sinh có tâm lí thoải mái, tự tin, vững vàng hơn trước khi bước vào kỳ thi quan trọng. Các bậc phụ huynh học sinh cũng sẽ có thời gian đồng hành, đôn đốc các con trong suốt quá trình học tập năm lớp 9, giảm bớt sự lo lắng đến từ phía cha mẹ.
Ngược lại, nếu đề minh họa đưa ra muộn sẽ gây tâm lí hoang mang cho học sinh và phụ huynh, đặc biệt lại ở năm đầu tiên triển khai thí điểm theo chương trình mới.
Cùng quan điểm với thầy Lê Ngọc Anh, thầy giáo Cao Văn Dũng – giáo viên khối THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam bày tỏ, năm nay là năm đầu tiên có sự thay đổi về hình thức thi, vì vậy, Sở GD&ĐT có thể “ưu ái hơn” bằng cách công bố phương án thi sớm hơn dự kiến 1-3 tuần (trong tháng 3) để học sinh, phụ huynh có tâm lí thoải mái, yên tâm.
Rút kinh nghiệm từ đề thi Toán của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên bày tỏ, Sở GD&ĐT Hà Nội nên điều chỉnh cách mô tả lại đề thi Toán trong mùa tuyển sinh lớp 10 năm sau; không nên biên soạn đề thi quá dài, đồng thời, bộ phận biên soạn đề thi cần sử dụng ngôn từ miêu tả dễ hiểu hơn, phù hợp với độ tuổi học sinh lớp 9.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị đang nghiên cứu phương án thi tuyển lớp 10 THPT từ năm học 2025. Thông tin từ phía ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị Dự thảo Thông tư hướng dẫn tuyển sinh thay thế Thông tư 11 và theo quy chế sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi trước khi công bố. |