Gìn giữ “linh hồn” lá dong Tràng Cát
Điều gì làm nên thương hiệu lá dong Tràng Cát?
Ngôi làng Tràng Cát nằm ở một địa thế đắc địa, ba bên bao quanh bởi sông Đáy. Vùng đất bãi bằng phẳng kéo dài từ bờ sông đến rìa làng hình vòng cung trù mật. Truyền rằng, cách đây khoảng 600 năm về trước, bà Đàm Sứ ở thôn Nga Mi Hạ (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) thấy đây là vùng đất tốt tươi cho cây trồng nên đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, phát cỏ và trồng lá dong. Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ trồng lá dong để dùng trong dịp Tết và bán ra ngoài.
Những vườn lá dong xanh mướt mắt được trồng ngay trong vườn nhà, dưới các tán cây lớn là bí quyết của người dân Tràng Cát để lá không bị khô, rách bởi tác động của ánh nắng mặt trời |
Tự hào “khoe” về “đặc sản” của quê mình, chị Nguyễn Thị Quyên kể: Nét đặc trưng của lá dong Tràng Cát là khổ lá rất đều, chiều dài khoảng 50 - 60cm, chiều rộng 25 - 35cm. Đây là giống lá dong nếp, bầu lá rộng, tròn, mỏng nhưng dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng bầu lá rộng, mỏng nhưng dai.
Những chiếc lá dong to, xanh mướt chỉ có được khi trồng ở làng Tràng Cát |
Dùng lá dong Tràng Cát để gói bánh chưng không chỉ tạo màu xanh tự nhiên đẹp mắt mà còn tăng thêm hương vị cho bánh, giúp bánh thơm rền. Chính vì thế, không ít người đến xin giống nhưng khi trồng ở các vùng khác, lá dong không đạt được chất lượng như ở Tràng Cát.
Một ngày cắt lá dong, người dân được trả công 200.000 đồng |
Những người dân thôn Tràng Cát lý giải, điều đặc biệt làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát” là bởi vì nơi đây nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa, nên lá dong cứ được đà sinh sôi nảy nở, từ đó làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay. Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua.
Lá dong được bó gọn gàng để chuyển về |
Ngày nay, lá dong Tràng Cát không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất ngoại để phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết của bà con Việt kiều ở nhiều nước trên thế giới…
Linh hồn màu xanh của Tràng Cát
Đến Tràng Cát những ngày cuối năm Canh Tý, có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, khẩn trương của những người nông dân khi bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Khắp các nẻo đường làng, ngõ xóm, những vườn lá dong xanh mướt mắt báo hiệu một vụ mùa bội thu. Lá dong được các nhà vườn trồng san sát khắp nơi trong làng, trong vườn,. Lá dong dung dưỡng những cánh đồng bồi bãi với màu xanh bao trùm cả ngôi làng. Sắc xanh của lá dong trở thành biểu tượng thiêng liêng trong đời sống cộng đồng.
Niềm phấn khởi của người nông dân được mùa |
Trong nhiều khu vườn, bà con nông dân phấn khởi tay dao thoăn thoắt cắt lá dong bó gọn từng bó để chở về nhà.
Chị Quyên cho biết, lá dong bắt đầu được thu hoạch “rộ” từ ngày mồng 10 đến 15 - 17 tháng Chạp. Sau khi được cắt về, mọi người sẽ “dấn nước”, sắp lá thành từng bó đợi đến 18 tháng Chạp, từng đoàn xe lớn nhỏ sẽ kéo về thôn để nhập lá, mang đi khắp mọi miền Tổ quốc. Thậm chí, lá dong được xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ Tết Nguyên đán.
Lá dong xanh mướt, to bản, mỏng và dai và niềm tự hào của người Tràng Cát |
“Những ngày ấy, cả làng sẽ vui như có hội. Xe ô tô tải lớn, nhỏ đỗ từ dốc đê vào tận giữa làng. Kẻ mua, người bán tấp nập vô cùng”, chị Quyên hồ hởi kể.
Công đoạn phân loại lá vô cùng quan trọng |
Là một trong những hộ gia đình sở hữu nhiều diện tích trồng lá dong nhất làng, bà Đoàn Thị Láng cho biết: “Gia đình tôi có tất cả 1,4 mẫu lá dong. Bắt đầu từ mùng 10, gia đình bắt đầu thu hoạch để bán dần cho các nhà hàng, trường học. Mỗi ngày phải thuê đến cả chục nhân công cắt lá mới kịp. Tính trung bình, mỗi sào lá dong bán được khoảng 15 triệu đồng”.
Sau khi được cắt ở vườn, mỗi hộ gia đình xe thuê xe chở về nhà |
Theo người dân nơi đây, trồng một lần thì thu hoạch được mãi. Cứ cắt lá cũ đi lá mới lại trồi lên, năm này qua năm khác. Lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi. Một phần bởi được con người chăm chút nhưng phần lớn là do đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa. Với tỷ lệ hai phần đất cát, một phần đất thịt đã tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển.
"Dấn nước" để lá dong sạch sẽ... |
“Có lẽ do thổ nhưỡng nên lá dong ở đây sinh trưởng và phát triển khá thuận lợi, chỉ cần lưu ý trồng cây dưới bóng mát để tránh bị khô, xước, hỏng lá. Đặc biệt, cây dong rất ưa nước nên cần đảm bảo luôn cung cấp đủ nước vào giai đoạn thời tiết hanh khô. Với các gia đình có diện tích vườn lớn thì họ lưu ý đến việc phòng trừ sâu cuốn lá, bón phân đầu trâu để lá có màu xanh tươi là được”, cô Láng chia sẻ.
Lá dong được xếp ngay ngắn ở sân chờ thương lái đến mua |
Theo người dân Tràng Cát, nhiều thời điểm, diện tích trồng lá dong có xu hướng giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều người lại quay lại với nghề cũ khiến không khí trong làng những ngày cận Tết sôi động hẳn lên.
“Giá cả thị trường ổn định, lá dong ngày càng đắt khách không chỉ dịp Tết mà cả ngày thường khiến bà con phấn khởi hơn nhiều. Dịp Tết nhiều nhà báo, phóng viên đến ghi hình, chụp ảnh. Năm nào tôi cũng được lên báo, truyền hình để nói về lá dong. Đó là niềm vui để chúng tôi tiếp tục chăm bón cho vườn lá xanh tươi.
Lá dong mãi vẫn là “linh hồn” của Tràng Cát. Nó là phần không thể thiếu làm nên chiếc bánh chưng hoàn hảo của ngày Tết - nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam”, chị Quyên tâm sự.
Đường hoa "Home Hanoi Xuan 2021" sắp xuất hiện tại Hà Nội Thị trường lao động tại Hà Nội: Nhu cầu tuyển dụng tăng cao dịp Tết |