Giới trẻ và cách lựa chọn lối sống lành mạnh
Trước khi nhận sự trừng phạt của pháp luật vì những việc làm sai trái, những giang hồ mạng như Đường “Nhuệ”, Khá “Bảnh”, Phú Lê… xuất hiện ở những video bạo lực, phản cảm. Tiếc là những clip này lại có lượng xem và tương tác khá lớn từ cộng đồng mạng bởi đánh vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của không ít thanh thiếu niên. Trào lưu bắt chước Khá “Bảnh” của một bộ phận không nhỏ thanh niên khi để kiểu đầu dị hợm với mái trùm trán, để gáy dài và cắt cao ở hai bên mai giống như bờm ngựa.
Ca sỹ mạng và những sản phẩm phản văn hóa, hình ảnh, ngôn từ tục tĩu cổ súy cho lối sống buông thả, hưởng thụ. Nhiều thứ “rác” văn hóa tràn ngập, tồn tại tới vài năm mà vẫn chưa bị gỡ bỏ trên mạng xã hội.
Các chiến sỹ trẻ hiến máu, hưởng ứng Ngày Chủ nhật Đỏ |
Trước sự việc này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Có thể những phản cảm là sự bất bình nhưng càng đông người bao nhiêu thì họ lại càng nhận được nhiều lợi nhuận bấy nhiêu. Với những người làm clip hoặc tung clip đó trên mạng, mục đích cuối cùng của họ là thu hút người xem và họ thu tiền. Họ không quan tâm những clip đó có ảnh hưởng đến lối sống, đến đạo đức, đến xã hội”.
Câu chuyện thương tâm về những lái xe công nghệ, hung thủ tuổi đời còn rất trẻ, là thanh thiếu niên. Giết người, cướp của do ám ảnh bạo lực, thích hưởng thụ, lười lao động hay chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, lệch lạc lối sống. Theo Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên từ 14 – 16 chiếm 25%, đặc biệt lứa tuổi 16 - 18 chiếm hơn 70% số vụ và gia tăng ở khu vực thành thị.
Ở một số trường THPT, thậm chí THCS, không hiếm cảnh “cặp đôi” học sinh thoải mái bày tỏ tình cảm giữa nơi đông người, cá biệt có cặp đưa nhau vào nhà nghỉ khi vẫn khoác đồng phục học sinh. Trong khi những mối tình học trò thường mong manh, dễ thay đổi thì một số bạn trẻ lại coi đó là thú vui, chiến tích.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ: “Trước hết chúng ta phải thấy rằng, bối cảnh xã hội hiện nay rất dễ phát sinh ra “rác” văn hóa. Chúng ta cần cẩn trọng với suy nghĩ vì suy nghĩ sẽ sinh ra lời nói, lời nói sẽ sinh ra hành vi, hành vi sinh ra tính cách và tính cách sẽ tạo ra số phận. “Rác” văn hóa ở đây tác động vào suy nghĩ và ảnh hưởng vào lối sống, đến định hướng giá trị sống của thanh thiếu niên”.
Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải |
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay với những thứ gọi là “rác” văn hóa. Tuy nhiên, cuộc cách mạng nhằm tẩy chay các thứ văn hóa độc hại đó gặp rất nhiều thách thức.
Tất cả cũng mới chỉ đạt hiệu quả ở giải pháp kỹ thuật hoặc giải pháp luật pháp. Lúc này, tất cả đều trông đợi từ phía cơ quan truyền thông để biến đổi, chuyển hóa các suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn của công chúng.
“Trong thời đại công nghệ hiện đại, để lựa chọn ra sản phẩm văn hóa tốt, lành mạnh vừa dễ lại vừa khó. Nói như vậy là bởi, với ý thích của từng cá nhân có thể chọn cho mình rất nhiều cách sống khác nhau.
Nếu như mỗi người trẻ không có được định hướng tốt thì sẽ chẳng biết nên theo hoặc không nên theo thứ nào. Đấy là bài toán khó”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ.
Thế giới giải trí ngày càng sôi động. Không khó để giới trẻ lựa chọn một hình thức hưởng thụ, giải tỏa căng thẳng. Vô vàn những vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke nhộn nhịp, những tụ điểm game dù chật chội, nóng bức nhưng có thể giữ chân người chơi nhiều giờ đồng hồ, thậm chí thâu đêm suốt sáng.
Các rạp chiếu phim liên tục tung ra các siêu phẩm điện ảnh ăn khách, mở cửa suốt ngày đêm. Các dịch vụ xem phim trực tuyến, kể cả các website xem phim lậu cũng có thể làm thỏa mãn bất cứ tín đồ phim ảnh.
Tuy nhiên, giữa những không gian giải trí không giới hạn, nếu không chọn lọc, người xem có thể tiếp cận và bị cuốn theo cả những hình thức hoặc hành vi không lành mạnh. Điều đáng buồn là ngày nay, việc đọc sách báo là hình thức giải trí lành mạnh, bổ ích nhưng không được phần lớn giới trẻ mặn mà.
Trong một thế giới phẳng thì truyền thông phát triển và tác động mạnh mẽ hơn bất cứ thời đại nào. Đương nhiên, những sản phẩm truyền thông không chỉ là món ăn tinh thần, giải trí đơn thuần mà nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp nhận thức, tư tưởng, hướng con người tới lối sống đẹp, văn minh trong thời đại mới.
Nhận thức rõ điều này, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã dùng chính sức mạnh của mình thông qua nhiều chương trình, những dự án dài hơi với các hoạt động nhân văn để lan tỏa giá trị sống đẹp, sống tích cực trong cộng đồng.
Tiểu mục Tuổi trẻ sống đẹp trong chuyên mục Nhịp sống trẻ của báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô (tuoitrethudo.com.vn) luôn thu hút đông đảo độc giả với lượng truy cập (view) khá lớn. Nơi đây, tòa soạn báo thường xuyên đăng tải gương người tốt - việc tốt, những chia sẻ kinh nghiệm học tập của thủ khoa của các trường đại học, những tấm lòng nhiệt huyết của các cán bộ Đoàn - Đội… Đây chính là tín hiệu đáng mừng trước sự quan tâm của các độc giả, nhất là độc giả trẻ.
Chị Vũ Hương Giang, Trưởng ban Thanh niên, báo Tuổi trẻ Thủ đô tâm sự: “Là người phụ trách, định hướng, chỉ đạo trực tiếp phóng viên thực hiện chuyên mục Nhịp sống trẻ và tiểu mục Tuổi trẻ sống đẹp, tôi cho rằng, điều đáng mừng đối với người làm báo không chỉ ở sự hiện thị lượng truy cập đối với bài báo.
Điều cốt yếu chỉ cần ý nghĩa sâu xa của bài báo đã tác động đến được một lượng độc giả nhất định, đó chính là thành công”.
Suốt 6 năm qua, hàng nghìn chương trình “Việc tử tế” với khoảng hơn 1.000 nhân vật Sống đẹp đã lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Một năm sau đó, “Cặp lá yêu thương” ra đời và sau 5 năm những chiếc cặp lá nhỏ ấy đã giúp đỡ được gần 4.000 em nhỏ khó khăn trên khắp cả nước với sự chung tay của toàn xã hội.
Muốn xây dựng con người văn hóa, chúng ta phải vận dụng nhiều cách thức khác nhau. Việc định hướng giá trị sống cho mỗi người là một trong những cách thức vô cùng quan trọng. Trong việc định hướng giá trị sống cho con người thì việc xây dựng những tấm gương, những bài học tốt, những bài học truyền cảm hứng chính là cách thức hữu hiệu nhất.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội mà còn góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết của nhân cách con người.