Giúp thanh niên tăng sức đề kháng trước thông tin giả, xấu độc
Thanh niên 8X “rinh” giải thưởng Lương Định Của nhờ trải nghiệm thời du học Những người trẻ truyền cảm hứng sống đẹp |
Chiều 5/1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng hiện nay”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn.
Hội thảo diễn ra trực tiếp tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố.
"Virus” có tốc độ lây lan nhanh
Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu |
Theo Ban tổ chức, thời gian qua, mạng xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng, không chỉ trở thành phương tiện phổ biến để kết nối mọi người trên toàn cầu mà còn là công cụ để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và cả một bộ phận người dân kém hiểu biết lợi dụng để đăng tải những thông tin giả, tin xấu độc nhằm làm xáo trộn, phức tạp hóa các vấn đề chính trị - xã hội hay xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Những thông tin giả, xấu độc ấy giống như loại “virut” có tốc độ lây lan rất nhanh và ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, ý thức, tư tưởng chính trị của đoàn viên, thanh niên nước ta.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với gần 64 triệu tài khoản Facebook, gần 35 triệu tài khoản YouTube, hơn 50 triệu tài khoản Zalo. Trong số những người dùng mạng xã hội, thanh niên chiếm trên 60%. Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số.
Đây là lực lượng dân cư có nhiều tiềm năng về sức khỏe, trí tuệ và khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên thanh niên nước ta cũng dễ bị lôi kéo, kích động, dễ có có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời.
Đại biểu tại các điểm cầu phát biểu tham góp ý kiến tại hội thảo |
Trước nạn virus tin giả, thông tin xấu độc đang tràn lan, khó kiểm soát trên mạng xã hội, thanh niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Điều đó đỏi hỏi cần phải có những biện pháp, cách thức để phòng, chống nạn tin giả, thông tin xấu độc cho thanh niên.
Tự tạo sức đề kháng
Vì thế, tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Nhận diện các tin giả, xấu độc và phương thức các đối tượng đăng tải, lan truyền những thông tin giả, xấu độc trên mạng xã hội; âm mưu, thủ đoạn, mục đích đằng sau đó và đánh giá tác động của nó đến tâm lý, thái độ, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của thanh niên Việt Nam.
Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong việc phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng; Đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn trong việc phòng, chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng trong thời gian tới.
Trong đó, tổ chức Đoàn các cấp chú trọng đến việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho đoàn viên, thanh niên.
Lễ ra mắt cuốn sách "Vững vàng niềm tin tự hào tiến bước" |
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh: Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị khẩn trương triển khai cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, quyết tâm khôi phục kinh tế - xã hội do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị, với chức năng là "trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên", các cấp bộ Đoàn phải tiên phong trong xây dựng hệ thống các chuyên trang định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng; Lan tỏa tin tốt, câu chuyện đẹp để đấu tranh phòng chống thông tin giả, xấu độc.
Đối với cán bộ, đoàn viên, thanh niên, cần chủ động học tập lý luận chính trị, nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định, tự tạo "sức đề kháng" trước mọi luận điệu xuyên tạc, kích động và tỉnh táo trước những thông tin giả, xấu độc trong quá trình tham gia không gian mạng.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải tự nhận thức bản thân là một chiến sĩ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, phải có đủ tri thức, kiến thức và kỹ năng "sàng lọc", "giải độc" thông tin và chủ động trở thành một "vệ tinh", một "cánh tay nối dài" trong công tác tuyên truyền và đấu tranh phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng.