“Gỡ khó” cho thu phí tự động không dừng
Chủ xe ô tô vẫn chê thu phí tự động không dừng
Theo quyết định số 19 của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí phải thực hiện thu phí không dừng (ETC). Tuy nhiên đến nay, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ vẫn còn khá khiêm tốn.
Nói về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, đối với dự án BOO2, ông Bùi Trình, Giám đốc Công ty Giải pháp giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết: Đơn vị đã ký kết được hợp đồng dịch vụ thu phí với 17/23 nhà đầu tư BOT (tương ứng với 24/33 trạm thu phí); hiện vẫn đang đàm phán với 6 nhà đầu tư BOT (tương ứng với 9/33 trạm thu phí).
Nhiều chủ xe ô tô vẫn không mặn mà với thu phí tự động không dừng |
Ông Trình nói rõ, dù đã ký được 24/33 trạm thu phí nhưng có 4 trạm thu phí vướng mắc về thực hiện, 9 trạm khó khăn trong việc ký hợp đồng do BOT đòi thay đổi phương thức vận hành và doanh thu thực tế của BOT sụt giảm.
Tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động không dừng VETC (VETC) Nguyễn Văn Dưỡng cho biết, đối với dự án BOO1, tháng 11 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh lại dự án và phương án tài chính của dự án. Theo đó, trong phạm vi của dự án các trạm đều đã có dịch vụ thu phí tự động không dừng (trừ một số tuyến đường cao tốc của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam).
Đến nay cả nước có khoảng 1 triệu ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng |
Tuy nhiên, theo ông Dưỡng, trong quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc, điển hình là việc vẫn chưa ký hết được phụ lục hợp đồng dịch vụ với các nhà đầu tư BOT về thay đổi mức phí dịch vụ, điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt doanh thu dành cho công tác vận hành, bảo trì bảo dưỡng, phát triển khách hàng cũng như phương án trả nợ ngân hàng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phụ lục hợp đồng thay đổi mức doanh thu theo phụ lục mới. Việc này Bộ đã duyệt nên hai bên (nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT) sẽ thống nhất ký lại với nhau. Tuy nhiên việc này không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Số lượng chủ xe ô tô sử dụng dịch vụ thu phí không dừng mới đạt được khoảng 40% |
Ông Dưỡng nêu thực tế, số lượng thẻ phát triển mới được khoảng 1 triệu thẻ (trong khi cả nước có 3,8 triệu xe), số lượng sử dụng mới đạt được khoảng 40%. Điều này xuất phát từ những bất cập trong cơ chế bắt buộc khách hàng sử dụng thu phí không dừng, các chế tài xử lý vi phạm khi xe không đủ điều kiện lưu thông vào làn thu phí không dừng dành riêng cho xe dán thẻ đi thu phí không dừng.
Tuy nhiên, ông Dưỡng tin tưởng sau ngày 1/1/12021 khi các trạm đồng loạt đưa vào hoạt động hết người dân sẽ sử dụng, những thẻ dán rồi sẽ kích hoạt nộp tiền vào tài khoản.
Liên thông tài khoản, tạo thuận lợi cho người sử dụng
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng với nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức dán thẻ cho các cơ quan chức năng. Dự kiến trong tuần tới tất cả các bộ ngành sẽ triển khai thực hiện.
Tổng cục Đường bộ cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm xe không dán thẻ ETC đi vào làn thu phí tự động không dừng.
Việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các BOT |
Để gỡ khó cho thu phí không dừng, đầu tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng đảm bảo đúng tiến độ.
Bộ Công an được giao phối hợp trích xuất dữ liệu hình ảnh thu được tại các trạm thu phí, để xử phạt vi phạm với phương tiện chưa gắn thẻ đầu cuối, hoặc đã gắn thẻ đầu cuối mà số tiền tài khoản thu phí không đủ, nhưng cố tình đi vào làn không dừng ETC.
Một vướng mắc rất lớn cũng được Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu tháo gỡ, theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông.
Tổng cục Đường bộ cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm xe không dán thẻ ETC đi vào làn thu phí tự động không dừng |
Báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo VETC cho biết, theo chủ trương chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, để tạo thuận lợi nhất cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ thu phí tự động ETC, doanh nghiệp này đã làm việc và đàm phán với rất nhiều ngân hàng về vấn đề liên thông tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông.
Mới nhất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên đạt thoả thuận kết nối liên thông với VETC. Khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động có thể đến quầy giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc để đăng ký sử dụng dịch vụ tự động nạp tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông.
VETC cũng đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng khác để được ngân hàng chấp thuận liên thông tài khoản, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông |
Sau khi đăng ký dịch vụ, nếu số tiền còn lại trong tài khoản giao thông đến hạn mức theo đăng ký của khách hàng, thì tiền từ tài khoản Ngân hàng BIDV sẽ tự động chuyển vào tài khoản giao thông của khách hàng mà không cần thao tác nạp tiền như trước đây.
VETC cũng đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng khác để được ngân hàng chấp thuận liên thông tài khoản, như: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, VPBank, TPBank... Ngoài việc liên thông tài khoản giao thông thì các kênh nạp tiền từ các ví điện tử vẫn duy trì nhằm đáp ứng yêu cầu của chủ phương tiện nhanh chóng và thuận tiện.