“Gỡ khó” hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học
Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh Ban hành tờ rơi truyền thông về tư vấn tâm lý học đường Hành trình xây dựng "Ngôi trường hạnh phúc" |
Trước những yêu cầu nhiệm vụ quan trọng đó, sáng 20/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khai mạc khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh yếu thế tại các cơ sở giáo dục.
Chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm
Hiện nay, ở hầu hết trường học trong cả nước, do không có biên chế nên các trường không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm. Nhân viên tư vấn tâm lý trong các nhà trường thường là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế, cán bộ Đoàn nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm chỉ được tiếp thu kiến thức tư vấn, định hướng từ các đợt tập huấn ngắn hạn, thiếu kiến thức chuyên sâu.
Ông Trần Văn Đạt - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học |
Trước những vấn đề trên, phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Trần Văn Đạt - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn hỗ trợ học sinh.
Tư vấn tâm lý được hiểu là việc áp dụng nguyên tắc tâm lý, sức khỏe tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người thông qua các chiến lược can thiệp có hệ thống về nhận thức, xúc cảm, hành vi, tập trung vào sự phát triển cá nhân lành mạnh, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý. Hoạt động công tác này tập trung giải quyết vấn đề cụ thể liên quan đến tâm lý của một cá nhân.
Trong khi đó, công tác xã hội hướng tới giúp đỡ cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm các vấn đề vi mô như các mối quan hệ xã hội của cá nhân hay vấn đề vĩ mô như quyền con người, công bằng xã hội...
Giai đoạn 2015 - 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học như Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT cũng quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện những nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý và học đường; Phối hợp tích cực với các bộ ngành, tổ chức quốc tế triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông.
Cán bộ, giáo viên tại một số cơ sở giáo dục phổ thông ở 4 tỉnh thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Đồng Tháp tổ chức thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tham gia tập huấn |
Trên thực tế, công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu... Hiện đa số các cơ sở giáo dục công chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường.
Nâng cao năng lực giáo viên công tác xã hội trường học
Nhằm giúp cán bộ giáo viên có thêm công cụ để thực hiện ngày càng tốt hơn hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại một số cơ sở giáo dục phổ thông ở 4 tỉnh thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Đồng Tháp.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 12 cán bộ, giáo viên tại các địa phương triển khai thí điểm. Khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học là một trong những nội dung cụ thể hóa việc thực hiện mô hình thí điểm.
Tiến sĩ Tô Phương Oanh, khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Trên thực tế, các giáo viên làm công tác xã hội kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn tâm lý, giải quyết nhiều vấn đề về công tác xã hội học đường cho học sinh. Mặt khác, các nhà trường gần như chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức, chưa chú trọng kích hoạt hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh; Nhiều trường không có phòng tâm lý học đường. Đây là sự thiệt thòi lớn đối với các em. |
Dù được quan tâm nhưng hầu hết các trường rất khó khăn khi triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường, bởi thiếu nhân lực cũng như kinh phí hoạt động, đặc biệt là các hoạt động theo nhóm. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu tập huấn về công tác này chưa được chuẩn hóa. Do vậy, khóa tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện thí điểm mô hình công tác xã hội trường học là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học, giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui; Đồng thời, giúp các em học sinh yếu thế hòa nhập môi trường giáo dục tốt hơn.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ giáo viên đến từ 4 tỉnh thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Đồng Tháp đã được hai chuyên gia công tác xã hội TS Tô Phương Oanh và TS Đặng Thị Huyền Oanh đến từ khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ nhiều vấn đề liên quan, đồng thời giải đáp những băn khoăn về tư vấn tâm lý học đường và vai trò của công tác xã hội trong trường học.
Các chuyên gia đã triển khai những chuyên đề cụ thể như: Triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông - Tầm quan trọng, cơ sở pháp lý và đối tượng can thiệp; Cơ cấu tổ chức và các hoạt động của mô hình công tác xã hội - tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông; Hướng dẫn triển khai hoạt động hỗ trợ, can thiệp với nhóm học sinh yếu thế.
Chuyên gia công tác xã hội TS Tô Phương Oanh (ngồi giữa) và TS Đặng Thị Huyền Oanh (ngồi thứ 2 bên phải), khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có nhiều chia sẻ về công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học tại tập huấn |
Tại các trường học hiện nay, chung ta có thể nhận thấy, học sinh đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống cũng như học tập dẫn đến những trở ngại về tâm lý. Tuy nhiên, các em lại không thể chia sẻ do bố mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn có được sự hỗ trợ từ thầy cô có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý nhưng ở hầu hết trường học, hoạt động này lại chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều trường học còn bỏ ngỏ hoặc không coi trọng công tác này.
Đây cũng là bất cập mà các giáo viên tham gia tập huấn cùng nhìn nhận. Với những gợi mở, hướng dẫn bài bản và đi đến cùng vấn đề, các chuyên gia cùng giáo viên đã tích cực trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành trong các chuyên đề. Qua đó, những kiến thức, kỹ năng cần thiết về công tác tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trường học được các giáo viên nắm bắt để áp dụng thực hiện tại cơ quan, đơn vị.