Đồng hành cùng học sinh - không để yêu thương trở thành áp lực
Chiều nay (15/12) sẽ diễn ra talkshow Đồng hành cùng học sinh cuối cấp Ra mắt dự án cộng đồng Đồng hành cùng học sinh cuối cấp Talkshow "Đồng hành cùng học sinh cuối cấp: Vững tâm lý, đón tương lai" |
Áp lực bủa vây học sinh cuối cấp
Mở đầu talkshow “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp - Vững tâm lý, đón tương lai”, ban tổ chức chương trình nhận được nhiều chia sẻ, tâm sự của các em học sinh lớp 12.
Không chỉ là nhà văn - nhà báo nổi tiếng, từng giữ chức vụ Trưởng ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam, anh Hoàng Anh Tú còn là người bạn quen thuộc với bút danh “anh Chánh Văn”, đồng hành, chia sẻ tâm lý cùng bao thế hệ học sinh trên báo Hoa Học Trò.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Chuyên gia giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô chia sẻ tại talkshow |
Chiều 15/12, Trường Đại học Thành Đô phối hợp với Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức talkshow “Đồng hành cùng học sinh cuối cấp: Vững tâm lý, đón tương lai” tại tại Hội trường The Koi (Trường Đại học Thành Đô). Tại talkshow, các em học sinh sẽ được gặp gỡ các vị khách mời đặc biệt của chương trình: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú - nguyên Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam. Anh Tú cũng là người bạn quen thuộc với các thế hệ học sinh với bút danh anh “Chánh Văn”; PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Chuyên gia giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô; Chuyên gia tư vấn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Vinamont Nguyễn Phương Chi. Talkshow là sự kiện mở màn của dự án Đồng hành cùng học sinh cuối cấp do Trường Đại học Thành Đô sáng lập. Dự án có sự tham gia của gần 20 chuyên gia cố vấn trực tiếp giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về chọn ngành nghề, các phương pháp học tập hiệu quả, phương pháp giảm áp lực trước kì thi, các phương thức xét tuyển đại học… |
Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết: Trong quá trình tư vấn tâm lý cho học sinh, anh đã nhận được nhiều chia sẻ của các em. Học sinh cuối cấp đối diện với áp lực từ nhiều phía. Đó là áp lực từ cha mẹ, từ những người bạn. Bạn mình thích thi trường này nhưng mình lại không thể thi vào trường ấy. Có những người sau này từ bỏ hết các buổi họp lớp vì bạn bè của mình đều tốt nghiệp trường đại học này, đại học kia nhưng mình không. Những áp lực ấy cực kỳ nặng nề, nếu không gỡ bỏ sẽ tác động rất lớn. Nhiều học sinh ăn không ngon, ngủ không yên, lo lắng, quên mất nhiều thứ mà mình nghĩ là mình đã nhớ nó.
“Không chỉ vậy, với nhiều gia đình, nhiều học sinh, tình yêu thương của cha mẹ, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ dành cho con cũng trở thành áp lực vô hình lớn lao. Nhiều đứa trẻ stress, thay đổi cân nặng của mình, ngủ nhiều. Không chỉ có lý do chủ quan, áp lực của học sinh còn đến từ những nguyên nhân khách quan - “con nhà người ta”, bị so sánh với những người xung quanh mình”, anh Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Con cái cần “bao dung” với cha mẹ hơn
Bày tỏ quan điểm về vấn đề “con nhà người ta”, chị Nguyễn Phương Chi - chuyên gia tư vấn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Vinamont cho rằng: “Thực ra bố mẹ không có ý hạ thấp các bạn. Bố mẹ chỉ muốn tạo một động lực cho các bạn cố gắng hơn thôi. Các bạn có thể đối diện nó với suy nghĩ tích cực, chia sẻ với bố mẹ những điều mình mong muốn. Sự so sánh thực ra không đáng sợ, chỉ cần các bạn ngồi xuống nói chuyện chân thành, tôn trọng với bố mẹ sẽ là cách tốt để mọi người cảm thấy mình được lắng nghe”.
Anh Chánh Văn "gỡ rối" cho học sinh cuối cấp |
Theo chị Phương Chi, việc mạnh dạn đặt câu hỏi cũng là một cách để giải toả căng thẳng. “Đặt câu hỏi đúng quan trọng hơn trả lời đúng một câu hỏi sai. Khi mẹ so sánh mình với một ai đó, mình có thể hỏi lại mẹ: Mẹ à mẹ đang kỳ vọng điều gì về con không? Chia sẻ là con đang có định hướng như này, liệu bố mẹ có thể hỗ trợ con để con có thể đạt được mục đích của mình. Hãy ngồi lại với ba mẹ để tìm ra được thống nhất chung?”, chị Chi nói.
Trong khi đó, anh Hoàng Anh Tú cho rằng: “Sự so sánh của phụ huynh nhiều khi chỉ là “trơn miệng”. Cha mẹ các em bây giờ cũng giống như tôi - chúng tôi là thế hệ chưa được học cách nói yêu con, vì “sến”, vì ngượng. Vì vậy, các em hãy bao dung, mở lòng với cha mẹ, cho cha mẹ có cơ hội được trò chuyện với mình. Rất nhiều phụ huynh đau đáu với mong muốn làm sao để con chia sẻ, con mở lòng với mình hơn? Như vậy là bố mẹ đang rất muốn nghe các em nói, mong muốn được hiểu các em”.
Chị Nguyễn Phương Chi, chuyên gia tư vấn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Vinamont giải đáp băn khoăn của các em học sinh |
“Nếu không mở lòng, chúng ta sẽ mãi sống trong giếng hẹp của chính mình”
Bày tỏ băn khoăn với các chuyên gia, em Vũ Trọng Nghĩa - học sinh trường THPT Việt Hoàng chia sẻ: “Áp lực từ mạng xã hội hiện nay đang tác động lớn đến tâm lý các bạn học sinh. Làm cách nào để chúng em có thể đối mặt với các áp lực đó?”
Chia sẻ với em học sinh, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ số. Điều đó khiến chúng ta dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực thì nó cũng có những tác động tiêu cực. Chúng ta dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì dễ dẫn đến tình trạng nhớ nhớ, quên quên, mất tập trung.
Theo cô Thảo, trong giai đoạn mang tính bước ngoặt quan trọng, học sinh có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội. Chúng ta có thể sử dụng sổ tay để ghi chép thông tin. Các em cũng cần có sự chọn lọc khi tiếp cận với mạng xã hội để tránh chịu tác động tiêu cực.
Các bạn trẻ mạnh dạn bày tỏ những vướng mắc tại chương trình |
Gửi câu hỏi đến talkshow, một em học sinh bày tỏ: “Có người cho rằng, thế hệ Gen Z hiện được cho là thế hệ yếu đuối, sống sung sướng nhưng suốt ngày than khổ, stress, muốn làm những anh chàng, cô nàng thư giãn. Làm cách nào để vượt sướng?”.
Chia sẻ tâm sự này với thế hệ Gen Z, anh Hoàng Anh Tú cho biết: “Vượt sướng khó hơn vượt khó. Mỗi thế hệ sẽ khác nhau sẽ có góc nhìn khác nhau. Chúng ta luôn nghĩ rằng những điều người khác không giống chúng ta đều là sai. Chính chúng ta kỳ thị cha mẹ vì thế hệ khác nhau nên quan điểm cũng khác. Chỉ cần chũng ta mở rộng trái tim thì chúng ta sẽ biết. Cha mẹ cũng đang thấy điều đó để yêu thương con cho đúng và các bạn cũng nên vậy, nên thay đổi để có thể yêu thương bố mẹ đúng cách.
Các bạn không phải là khối thủy tinh trong suốt mà người khác có thể đi guốc trong bụng các bạn được. Vì vậy, đừng ngại ngần, hãy mở lòng với cha mẹ và những người xung quanh. Nếu không mở lòng ra, chúng ta sẽ mãi sống trong giếng hẹp của chính mình”.
Không chỉ gặp vướng mắc về mặt tâm lý, nhiều học sinh tham dự talkshow cũng bày tỏ tâm lý băn khoăn, e ngại về việc chọn ngành, chọn nghề.
Đông đảo phụ huynh, học sinh tham gia chương trình |
Em Nguyễn Hải Bình chia sẻ: “Em tự nhận thấy em học ở mức trung bình. Em băn khoăn không biết nên chọn trường ở top cao hay chọn ở top trung bình để hạn chế rủi ro?”.
Gỡ rối cho Bình, chị Phương Chi nhấn mạnh: “Mỗi chúng ta đều giỏi ở 1 lĩnh vực nào đó. Em hãy khoanh lại các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của mình từ đó chọn ra được một ngành học phù hợp. Em làm theo những gì em giỏi sẽ tốt hơn chạy theo những điều viển vông. Sau khi xác định được lĩnh vực của mình thì mình sẽ chọn trường theo những yếu tố gần nhà, chất lượng đào tạo, đúng với định hướng”.
Cũng tại talkshow, nhiều băn khoăn, trăn trở của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp chi tiết, cụ thể như: Làm sao để tối ưu hoá hiệu quả của việc học? Cách nào giải quyết tình trạng nhớ nhớ quên quên? Cách nào để loại bỏ cảm giác ghen tị với thành công của người khác?...
Bằng sự thấu hiểu, chân thành và kinh nghiệm của người đi trước, các chuyên gia đã mang đến cho các em học sinh những chia sẻ vô cùng bổ ích và thiết thực, giúp các em tự tin vượt qua áp lực đang bủa vây xung quanh mình.
Các diễn giả và học sinh chụp ảnh lưu niệm tại chương trình |
"Đối với học sinh THPT, trong năm 2024, nhằm chia sẻ với học sinh và phụ huynh trong giai đoạn chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT, giúp học sinh có thêm thông tin để định hướng, lựa chọn nghề, Trường Đại học Thành Đô đã phối hợp với báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức 4 chương trình đối thoại, tư vấn định hướng nghề, giải tỏa tâm lý với học sinh cuối cấp. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 60.000 học sinh, phụ huynh. Trong quá trình ấy, chúng tôi đã nhận được nhiều băn khoăn, vướng mắc của học sinh đến từ những áp lực vô hình. Từ thực tế đó, nhà trường sáng lập Dự án Đồng hành cùng học sinh cuối cấp”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô nhấn mạnh. |