Phát triển công tác xã hội với người lao động tại Việt Nam
“Gỡ khó” hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học Hành trình làm công tác xã hội của cô sinh viên xứ Đoài Đa dạng hoạt động thí điểm mô hình công tác xã hội trường học |
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của quốc gia chào mừng ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3/2016 - 25/3/2024), trường Đại học Công đoàn vinh dự được lựa chọn đăng cai tổ chức, nhận được sự quan tâm lớn của các Bộ, Ban, ngành quản lý, đặc biệt sự quan tâm của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc hội thảo |
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32). “Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam”, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn nhìn nhận.
Theo đó, công tác xã hội chính thức được công nhận là một nghề mang tính chuyên nghiệp, có quy định về mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngành viên chức công tác xã hội, áp dụng tiêu chuẩn đạo đức đối với cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn nhấn mạnh, công tác xã hội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, những khó khăn của mỗi cá nhân, nhóm và cộng đồng trong xã hội. Qua đó, ngành công tác xã hội góp phần xây dựng, hoàn thiện và đổi mới các chính sách an sinh xã hội ngày càng phù hợp với thực tiễn và mang tính toàn diện hơn.
Trong lĩnh vực lao động - việc làm, chính sách an sinh xã hội liên quan trực tiếp đến người lao động. Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có nhiều lao động phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro, biến cố xảy ra trong đời sống như: Thiếu, mất việc làm, giảm thu nhập, ốm đau, tai nạn lao động, …
Trong đó, mất việc làm được coi là rủi ro lớn nhất, bởi người lao động sẽ bị mất và giảm thu nhập, mất đi những nguồn lực kinh tế để trang trải cuộc sống cho bản thân và những thành viên trong gia đình.
Toàn cảnh hội thảo |
Bởi lẽ đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động có vai trò lớn trong việc thực hiện công bằng xã hội. Người lao động cần được bảo vệ bởi hệ thống chính sách an sinh xã hội trước những rủi ro, đảm bảo được tiếp cận với các cơ hội bình đẳng.
Hội thảo thu hút hơn 100 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên ở trong nước và quốc tế. Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung như: Những vấn đề lý luận về công tác xã hội trong việc thực hiện các cơ chế an sinh xã hội, chính sách xã hội và việc làm đối với người lao động; phát triển công tác xã hội với người lao động trong sự biến đổi và hội nhập - thực tiễn triển khai tại Việt Nam và các kinh nghiệm quốc tế; công tác xã hội với trẻ em trong các gia đình công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Từ nhiều góc độ, cấp độ tiếp cận khác nhau, các đại biểu đã góp phần làm rõ những ưu điểm, hạn chế, kết quả, bài học kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, triển khai thực thi chính sách và chỉ ra những “khoảng trống” về khung pháp lý, cơ chế chính sách đối với hoạt động công tác xã hội nói chung và trong lĩnh vực can thiệp của công tác xã hội đối với lao động nói riêng để chính sách an sinh xã hội gần với đời sống thực tiễn; các vấn đề của người lao động sẽ giải quyết trong bối cảnh hiện nay; người lao động được tiếp cận bình đẳng cơ hội việc làm và đào tạo nghề; những mô hình công tác xã hội với người lao động được xây dựng phù hợp...
Đây là những căn cứ khoa học và thực tiễn, là cơ sở để đề xuất những giải pháp công tác xã hội nhằm đảm bảo việc làm và an sinh xã hội đối với người lao động mang tính chuyên chuyện; đồng thời là dịp để các nhà khoa học trong, ngoài nước chia sẻ, trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng, cấp thiết này đối với người lao động.