Góp phần đưa Hải Phòng phát triển bứt phá
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu tại Lễ kỉ niệm |
Tới dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Khu kinh tế Hải Phòng có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Hoài Trung - Trưởng Ban đối ngoại Trung ương và Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán và các tổ chức quốc tế, đại diện các Ban quản lý khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) các tỉnh thành trong cả nước, các doanh nghiệp trong các khu kinh tế (KKT) Hải Phòng.
Phát biểu chào mừng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA, khẳng định: “Sau 30 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KKT đã tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Là động lực phát triển vùng Bắc Bộ, cơ bản hoàn thành trách nhiệm đặt nền móng đầu tiên cho cho việc thu hút FDI, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa; Đặc biệt, đã dần hình thành các khu đô thị công nghiệp hướng biển, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hệ thống cảng biển, logictisc tầm cỡ quốc tế”.
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng. Chỉ sau một năm, 1994, Khu công nghiệp (KCN) Nomura - Hải Phòng, KCN đầu tiên của Hải Phòng và là một trong những KCN đầu tiên của cả nước được thành lập. Tiếp theo đó là KCN Đình Vũ (nay là Tổ hợp KCN DEEP C), KCN Đồ Sơn, rồi lần lượt hình thành các KCN Tràng Duệ, KCN An Dương, KCN Nam Cầu Kiền, KCN VSIP... Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải, một trong những động lực phát triển cho thành phố.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhận Cờ thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Sau 30 năm, Hải Phòng có 14 KCN được thành lập, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080,21 ha, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4.028,46 ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 61%. KKT Đình Vũ - Cát Hải Hải đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ KKT có tổng diện tích 22.540 ha với tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8%.
Đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn Thành phố đã thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 36,32 tỷ USD, đưa Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc về thu hút đầu tư. Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Đến thời điểm này, Hải Phòng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút FDI 9 tháng năm 2023 với hơn 3 tỷ USD.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá: “Hải Phòng có vị trí ưu việt để phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực so với các địa phương khác trong các nước và Vùng Đồng bằng Sông Hồng. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của Vùng, việc phát triển KCN, KKT tại Hải Phòng trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là động lực phát triển của Vùng, tôi đề nghị HEZA mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới. Theo đó, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, thành phố đang xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế Nam Hải Phòng, với hạt nhân là khu thương mại tự do để khai thác thế mạnh của kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi đánh giá đây là hướng đi mới, mạnh dạn, có tầm nhìn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng phối hợp để nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhận Cờ thi đua của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hải Phòng. |
Thành phố cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; Thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội.
Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic; Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế biển; Nghiên cứu sớm hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo của thành phố.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước nói chung và tại Hải Phòng nói riêng được phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai”.
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng ,phát biểu tại buổi lễ |
Tại buổi lễ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết: “Sự phát triển KKT và các KCN đã góp phần từng bước xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đồng thời, khẳng định vị trí động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, NQ/TW đã đề ra.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phải là xương sống trong mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố với 3 trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; Trở thành động lực mới, nguồn lực mới phát triển thành phố nói riêng và của Khu vực Đồng bằng Sông Hồng nói chung…”.