GS Hoàng Chí Bảo: Đặt niềm tin cậy thực sự vào thanh niên
Chuyển từ giáo dục sang tự giáo dục
Thưa ông, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, T.Ư Đoàn xác định mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là nhiệm vụ căn cốt trong công tác giáo dục của Đoàn. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Dự thảo Báo cáo chính trị đặt ra mục tiêu này rất đúng đắn, phản ánh đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện một tầm nhìn chiến lược của Đảng dành cho thanh niên. Tổ chức Đoàn thanh niên có trách nhiệm thực hiện một cách tốt nhất.
Theo tôi, giáo dục lý tưởng cách mạng phải bắt đầu từ giáo dục lòng yêu nước, từ tình cảm trong sáng, thủy chung với nhân dân và dân tộc mình. Chúng ta phải làm sao cho giới trẻ thấy được ý thức, trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Lòng yêu nước là nền tảng của bản lĩnh chính trị, kiên định tư tưởng để người trẻ không bị rơi vào những hoài nghi trước những thông tin giả dối xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Vấn đề đặt ra là, việc giáo dục lý tưởng cách mạng của tổ chức Đoàn phải dẫn đến việc hình thành niềm tin với Đảng, trung thành với Đảng, chế độ, trở thành động lực phấn đấu, cống hiến trong mỗi bạn trẻ.
Vậy theo ông, để thực hiện được mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên trong thời gian tới, tổ chức Đoàn cần có sự chuyển mình, đổi mới thế nào để đạt hiệu quả thiết thực nhất?
Trước hết tạo sự thống nhất về nhận thức, từ đó mới tạo được thống nhất về hành động, tổ chức. Thống nhất về nhận thức đó là ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng đối với tuổi trẻ.
Trách nhiệm trước hết là của tổ chức Đoàn. Dĩ nhiên, cần có sự quan tâm thường xuyên của Đảng và các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời phải khắc phục được những nhận thức cũ, có tính xơ cứng, giáo điều, làm mới giáo dục và chuyển từ giáo dục sang tự giáo dục.
Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề cần thực hiện bằng rất nhiều biện pháp, giải pháp công phu, bền bỉ. Và như vậy, hơn lúc nào hết đòi hỏi công tác chính trị tư tưởng trong Đoàn phải đổi mới sao cho phong phú về nội dung và hình thức, có sức hấp dẫn, sức sống lôi cuốn lớp trẻ.
Trong các biện pháp giáo dục, theo tôi giáo dục hướng đến tình cảm là hữu hiệu nhất để tạo sự thấm nhuần. Bởi tình cảm là một đặc trưng của tuổi trẻ. Thanh niên rất dễ xúc cảm. Họ rất cần thần tượng, hình mẫu để noi theo. Vì vậy, trong giáo dục, tổ chức Đoàn cần xây dựng các hình mẫu, gương người tốt, việc tốt ở tất cả mọi lĩnh vực để gây ấn tượng, tạo xúc cảm cho người trẻ học tập, nuôi dưỡng khát khao vươn tới những thành công. Đặc biệt, bồi đắp tình cảm thiêng liêng của tuổi trẻ với Bác Hồ là một tài sản vô giá trong giáo dục lý tưởng cách mạng. Đoàn cần tập trung mọi giải pháp để làm tốt điều này.
Tôi cho rằng cần thay đổi tư duy về nhìn nhận đánh giá thanh niên, phải dành cho thanh niên tình cảm bao dung, nhân ái, vị tha. Người lớn đừng lấy mình làm chuẩn mực rồi tạo áp lực cho người trẻ. Bởi hoàn cảnh lịch sử, điều kiện sống, làm việc mỗi thời khác nhau rất nhiều. Làm sao tạo sự đồng thuận dựa trên sự thành thật, thấu hiểu.
Nói thế, chúng ta không nhầm hiểu là dễ dãi, nuông chiều lớp trẻ. Bởi nuông chiều lớp trẻ dễ tạo tính ích kỷ. Đó là mầm mống của chủ nghĩa cá nhân. Chúng ta cần nghiêm khắc và luôn đặt ra những mục tiêu, yêu cầu để người trẻ phấn đấu, sáng tạo. Bên cạnh đó, kịp thời uốn nắn, định hướng những nhận thức lệch lạc. Làm thế nào để mỗi thanh niên họ biết tự đánh giá về mình, không ảo tưởng, ngộ nhận, trọng danh dự, nhân phẩm, bảo vệ cái đúng, tốt, thiện.
Hãy đến với thanh niên bằng sự lắng nghe, đồng cảm
Gần 30 năm nay, ông thường xuyên có những buổi nói chuyện với thanh niên về lý tưởng cách mạng, về Bác Hồ. Ông nhận thấy tình cảm của họ dành cho những vấn đề này thế nào?
Nhiều bạn trẻ đã xúc động, khóc khi nghe tôi kể chuyện Bác Hồ. Qua những buổi nói chuyện, tôi nhận thấy là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu Tổ quốc, tự hào dân tộc, yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chỉ có điều chúng ta nhiều lúc chưa biết đánh thức, khơi dậy tình cảm thiêng liêng đó.
Thực tế, cuộc sống ngoài xã hội, có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên phai nhạt lý tưởng cách mạng. Chưa kể hiện nay, còn có một xu hướng theo chủ nghĩa kỹ trị, tức là chỉ thấy kỹ thuật công nghệ, sức mạnh kinh tế vật chất mà coi nhẹ những vấn đề giá trị lý tưởng. Đây là thực tế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận. Đây là lỗi của việc giáo dục chính trị không đầy đủ, sâu sắc, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự lạc hậu về một số cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế chính sách với thanh niên.
Thứ nữa, chúng ta vẫn còn dân chủ hình thức, tình trạng tham nhũng. Những điều đó khiến niềm tin của giới trẻ bị lung lay. Cho nên muốn làm cho lớp trẻ có thái độ sống đúng đắn, trở thành công dân tốt thì xã hội cần đối xử với thanh niên một cách dân chủ, công bằng, đặt niềm tin cậy thực sự vào thanh niên.
Thời gian qua T.Ư Đoàn đã có sự đổi mới trong giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua những hội thi như “Ánh sáng soi đường”, “Tự hào Việt Nam”… bằng hình thức thi trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin. Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về sự đổi mới này?
Sự đổi mới này rất đáng hoan nghênh, hình thức thi phù hợp với giới trẻ hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp xu thế thời cuộc nhưng chưa đủ. Chúng ta phải rất coi trọng việc tổ chức các diễn đàn, CLB, đây là nơi để thanh niên được gặp gỡ, đối thoại, tranh luận và bày tỏ chính kiến. Trong các diễn đàn, đối thoại, T.Ư Đoàn cần chủ động mời được những nhân vật trí thức, nhà khoa học, những doanh nhân, người nổi tiếng… trên các lĩnh vực đến đối thoại với thanh niên. Đặc biệt, là tổ chức được những cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Hãy đến với thanh niên bằng sự lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm chứ không phải để giáo huấn. Làm được điều đó, chúng ta sẽ xây dựng được niềm tin yêu tuyệt đối trong thanh niên, khơi dậy được khát khao, hoài bão cống hiến xây dựng quê hương, đất nước trong mỗi bạn trẻ.
Cảm ơn ông.