Hà Giang: Khai mạc Lễ hội Hoa tam giác mạch 2020 - “Sắc hoa cao nguyên đá”
Hà Giang: Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường dịch vụ công trực tuyến Tạm dừng hoạt động hai nhà máy thủy điện ở Hà Giang do mưa lũ Mưa lũ ở Hà Giang gây thiệt hại trên 80 tỷ đồng |
Tới dự có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Thường trực UBND tỉnh Hà Giang và các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh và các huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang cùng đông đảo bà con nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã quyết tâm chính trị, vượt qua khó khăn triển khai xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp văn minh |
Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã quyết tâm vượt qua khó khăn triển khai xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp văn minh, nhất là nỗ lực tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch cũng như 10 năm bảo tồn cao nguyên đá Đồng Văn. Sáu lần tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch thực sự trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang đối với du khách trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Giang cần xác định rõ tiềm năng lợi thế của mình và mối tương quan khác với các tỉnh thành cả nước; Tập trung phát triển có chiều sâu vào một số lĩnh vực thế mạnh như: Du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Qua đó, Nhân dân đoàn kết, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cao nguyên đá Đồng Văn, đem lại sinh kế phát triển bền vững. Tỉnh Hà Giang sớm xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang |
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Hà Giang là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về tiềm năng du lịch, có vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch cả nước.
Trải qua những kiến tạo địa chất, sự lao động sáng tạo của người dân địa phương, những biến đổi của tự nhiên và xã hội đã tạo cho Hà Giang những tài nguyên sẵn có, hấp dẫn để phát triển du lịch. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nối tiếp thành công từ năm lần tổ chức trước, Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ VI năm 2020 được tỉnh Hà Giang tổ chức gắn kỷ niệm 10 năm cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Đây là dịp để tỉnh Hà Giang rà soát lại quá trình 6 năm mà tỉnh Hà Giang đã tận tâm xây dựng thương hiệu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, xem xét những mặt mạnh và những điểm còn hạn chế bằng những việc làm cụ thể.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội Hoa tam giác mạch 2020 |
Năm 2015 khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 700.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 đạt 14%. Đến năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song khách du lịch đến Hà Giang đạt 1,5 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,6%/năm, đóng góp 8,8% GDP của tỉnh. Diện mạo của các huyện vùng cao biên cương Tổ quốc có nhiều thay đổi, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững cải thiện đời sống được nâng lên.
Nhiều sản phẩm du lịch vùng công viên địa chất được xây dựng và trở thành thương hiệu của Hà Giang tiêu biểu là Lễ hội hoa Tam giác mạch - một loài hoa gần gũi thân thương, vươn lên từ những hốc đá làm xao xuyến biết bao du khách. Hoa tam giác mạch đã trở thành biểu tượng của người dân vùng cao nguyên đá vượt khó đi lên xây dựng cuộc sống ấm no bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc.
Tỉnh Hà Giang đã, đang và sẽ duy trì tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch thường niên để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Đặc biệt tỉnh sẽ mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để khai thác nguồn nguyên liệu từ hoa tam giác mạch chế biến thành các sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ thị trường.
Bên cạnh đó, Hà Giang sẽ phát huy lợi thế, tính đặc thù của thổ nhưỡng, khí hậu vùng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị phục vụ du lịch.
Hàng nghìn người tham dự Lễ khai mạc tại Quảng trường 26/3 |
Điểm nổi bật của lễ khai mạc được thực hiện tại hai điểm cầu: Sân khấu chính tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang) và phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) đồng thời kết nối với 20 tỉnh trong nước đề nghị hỗ trợ tiếp sóng và được phát trực tiếp trên nền tảng số của tỉnh.
Sau phần trình diễn mở màn, chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương với chủ đề “Hoa trên đá” gồm: Huyền thoại miền đá, đá nở hoa, sắc hoa vươn xa. Với âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình nghệ thuật đã mang đến cho khán giả một Hà Giang đổi mới, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn các giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng cao núi đá.
Lễ hội Hoa tam giác mạch năm nay sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến 31/12/2020 với nhiều hoạt động nổi bật như: Liên hoan văn hóa ẩm thực, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, triển lãm ảnh đẹp 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động du lịch trải nghiệm khác như: Hội thi làm bánh tam giác mạch, trình diễn nghề dệt trang phục truyền thống, chế tác và biểu diễn khèn Mông…
Các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, chống hàng giả cũng được đặc biệt quan tâm triển khai trong dịp này.