Tag

Hà Nam: Liên tục vi phạm, vì sao Công ty Hồng Hà vẫn được ''xẻ thịt'' núi đá?

Bạn đọc 19/08/2018 10:46
aa
TTTĐ - Liên tục vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ đá trong nhiều năm, đầu tháng 04/2018, Công ty TNHH Hồng Hà đã bị UBND tỉnh Hà Nam đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, quyết định đình chỉ bị thay thế và doanh nghiệp này tiếp tục hành trình ''xẻ thịt'' núi đá dù các thủ tục về môi trường còn chưa được hoàn thiện...

Hà Nam: Liên tục vi phạm, vì sao Công ty Hồng Hà vẫn được ''xẻ thịt'' núi đá?

Thanh Liêm - Hà Nam: Chủ mỏ dính loạt sai phạm, núi đá vẫn bị ''xẻ thịt'' không thương tiếc

Hàng loạt vi phạm

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa tin về sự việc Công ty TNHH Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) có địa chỉ tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã liên tục vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh (xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Liêm, Hà Nam).

Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam đã cấp phép cho Công ty TNHH Hồng Hà được phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ núi Thung Đền Bà Oanh với thời hạn từ 31/08/2010 – 31/08/2040.

Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Hà.
Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Hà.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản thì Công ty Hồng Hà được phép khai thác trong phạm vi diện tích là 8ha, trữ lượng khai thác là hơn 8 triệu m3 và công suất khai thác là 250 nghìn m3/năm. Tuy nhiên, năm 2013, Thanh tra tỉnh Hà Nam đã chỉ rõ những sai phạm của Công ty Hồng Hà về việc khai thác ngoài phạm vi mỏ với khối lượng tính từ 06/2012 – 11/2013 là 234 nghìn m3 và bỏ ngoài sổ sách hơn 76 nghìn m3...

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Hà Nam kiến nghị Công ty Hồng Hà chấn chỉnh ngay những vi phạm nêu trên và chấm dứt việc khai thác mỏ ngoài phạm vi được khai thác.

Điều đáng chú ý, Công ty Hồng Hà từ khi được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép khai thác mỏ năm từ 2010 đến nay vẫn chưa có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình biện pháp bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành dự án.

Cũng theo tìm hiểu của PV, vào tháng 10/2017, Thanh tra tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật của Công ty Hồng Hà, trong đó nêu rõ nhiều sai phạm của Công ty trong hoạt động khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh.

Cụ thể, về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Kết luận thanh tra nêu rõ, đơn vị đo kiểm soát môi trường năm thiếu tần suất so với đăng ký trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; quản lý không tốt để doanh nghiệp khác khai thác vượt mốc giới mỏ.

Núi đá vẫn đang bị ''xẻ thịt'' một cách không thương tiếc.
Núi đá vẫn đang bị ''xẻ thịt'' một cách không thương tiếc.

Về lĩnh vực phương pháp khai thác và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đơn vị khai thác đã không tạo mặt bằng tầng, chiều cao tầng khai thác vượt thiết kế được duyệt, góc nghiêng sườn khai thác lớn 80o; khoảng cách gần nhất từ vị trí nổ mìn đến công trình là thấp hơn quy định.

Bên cạnh đó, Công ty Hồng Hà còn đầu tư xây dựng cơ bản mỏ chậm tiến độ so với dự án đã được phê duyệt, chưa được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy sản phẩm theo quy định...

Điều đáng nói, mặc dù trong nhiều năm khai thác mỏ đá tại núi Thung Đền Bà Oanh, Công ty TNHH Hồng Hà đã liên tục vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ, gây bức xúc dư luận nhưng đến nay hoạt động khai thác đá vẫn được tiếp diễn, trong khi đó cần có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Những quyết định kỳ lạ

Cũng theo tìm hiểu của PV, ngày 04/04/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 535/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Hồng Hà do đã thực hiện hành vi vi phạm là "Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định".

Với hành vi này theo quy định thì Công ty Hồng Hà sẽ bị phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nhưng UBND tỉnh Hà Nam lại không xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm hành chính này do đã hết thời hiệu xử phạt.

Có quá ưu ái khi chưa thu hồi giấy phép hoạt động khai thác của Công ty Hồng Hà?
Có quá ưu ái khi chưa thu hồi giấy phép hoạt động khai thác của Công ty Hồng Hà?

Thay vào đó, UBND tỉnh Hà Nam quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở với thời gian 4,5 tháng để khắc phục vi phạm và buộc Công ty Hồng Hà phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định Công ty phải hoàn thành xong và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Hà Nam.

Nhưng chỉ sau đó 03 tháng, tức ngày 06/07/2018, UBND tỉnh Hà Nam lại tiếp tục ban hành Quyết định 1173/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Hồng Hà yêu cầu Công ty phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: "Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định".

Theo đó, biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam kiểm tra, xác nhận trong thời gian 4,5 tháng kể từ ngày 04/04/2018.

Điều đáng nói, tại Điều 2 của Quyết định 1173/QĐ-KPHQ của UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ: "Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 535/QĐ-XPVPHC ngày 04/04/2018 của UBND tỉnh đã ban hành". Như vậy, đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Hà Nam hủy bỏ việc đình chỉ hoạt động của mỏ đá Công ty Hồng Hà và ''tạo điều kiện'' cho doanh nghiệp tiếp tục được ''xẻ thịt" núi đá trước thời hạn (?!).

Liên quan đến việc này, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hà.

Theo đó, ông Cường cho biết, đến thời điểm hiện tại các công trình bảo vệ môi trường của mỏ, Công ty đã hoàn thiện và đã báo cáo lên các cấp cơ quan chức năng để được phê duyệt. "Hiện chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị họ xác nhận về việc hoàn thành các công trình này nhưng vẫn chưa thấy phản hồi", ông Cường nói. Mặc dù vậy, khi PV đề nghị ông Cường cung cấp một số hồ sơ liên quan thì vị này không cung cấp được và xác nhận Công ty đã tiến hành khai thác đá trở lại.

Trước đó, ngày 16/08/2018, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã đến ghi nhận thực tế tại mỏ đá của Công ty Hồng Hà. Theo đó, do trời mưa nên con đường dẫn vào khai trường khai thác đá tại núi Thung Đền Bà Oanh rất nguy hiểm, nhiều ổ gà, ổ voi xuất hiện những vũng nước lớn với độ sâu và rộng khoảng vài mét. Không những vậy, trên con đường vào các mỏ đá khu vực núi Thung Đền Bà Oan còn xuất hiện nhiều xe tải hạng nặng nối đuôi nhau ra vào chở đá trong công trường.

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện tại, tại mỏ đá của Công ty Hồng Hà công tác bảo vệ môi trường gần như không được đầu tư bài bản, thiếu nhiều hạng mục theo quy định. Trong khi đó, khu vực núi đá đã bị khai thác khá nhiều nhìn rõ những vết máy xúc múc đất, vết mũi khoan để khai thác đá...

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Hà Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước sự việc trên, một lần nữa kính đề nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Hà Nam cần sớm vào cuộc kiểm tra, nếu thời điểm hiện tại Công ty Hồng Hà còn nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác đá thì cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và cũng để tránh thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm

Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bảo vệ người tiêu dùng

Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

TTTĐ - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 205/TB-VPCP ngày 28/4/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Huế rà soát việc kinh doanh sữa trong bệnh viện và trên thị trường Bảo vệ người tiêu dùng

Huế rà soát việc kinh doanh sữa trong bệnh viện và trên thị trường

TTTĐ - Sở Y tế TP Huế sẽ xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo kinh doanh sai phạm, vượt quá phạm vi chuyên môn, lợi dụng danh nghĩa y khoa để trục lợi từ sản phẩm sữa không đạt chất lượng.
TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra mặt hàng sữa Bảo vệ người tiêu dùng

TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra mặt hàng sữa

TTTĐ - Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc buôn bán sữa giả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, Chi cục Quản lý thị trường thành phố cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định, không có vùng cấm.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Đường dây nóng

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

TTTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo xử lý về tình hình lúa chết cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Kon Tum: Xử lý nghiêm các công trình vi phạm hành lang đường bộ Đường dây nóng

Kon Tum: Xử lý nghiêm các công trình vi phạm hành lang đường bộ

TTTĐ - Mặc dù tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành lang đường bộ tại Km1536+20 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đăk La, huyện Đăk Hà nhưng đến nay công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả Bảo vệ người tiêu dùng

Xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

TTTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa Đường dây nóng

Hủy bỏ Quyết định giao đất sai quy định tại xã Phước Hòa

TTTĐ - Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định về thu hồi và giao đất tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) để giao có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu đầu tư xây dựng Dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.
Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt Đường dây nóng

Công ty Thang máy Hitachi Việt Nam bị phạt

TTTĐ - Ban quản trị tòa nhà chung cư Vinhomes Skylake vừa ban hành quyết định xử phạt số 45/2025/QĐ-BQTSKL đối với Công ty TNHH Thang máy Hitachi Việt Nam có địa chỉ Số 29A Nguyễn Đình Chiểu , Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin Bảo vệ người tiêu dùng

Công ty Cổ phần Sao Thái Dương lên tiếng về lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin

TTTĐ - Trước một số thông tin chưa chính xác đang lan truyền trên mạng xã hội và một số trang thông tin điện tử liên quan đến sản phẩm Lô dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã chính thức đính chính và làm rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3 Đường dây nóng

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình đoàn kiểm tra liên ngành số 3

TTTĐ - Chậm trễ trong việc triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 3 bị Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê bình.
Xem thêm