Hà Nội bổ sung tuyến buýt, nhà chờ kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Theo đó, ga cuối Cát Linh sẽ được kết nối với 8 tuyến buýt gồm: 18, 23, 25, 38, 50, 90, 99 và BRT01. Ngoài ra, có 2 tuyến buýt sẽ đổi lộ trình để kết nối với ga Cát Linh.
Cụ thể, kết nối với ga Cát Linh trên đường Giảng Võ có 5 tuyến (tuyến số 38, 18, 23, BRT01, 90), kết nối với ga Cát Linh trên đường Hào Nam có 4 tuyến (tuyến số 25, 50, 90, 99), riêng đối với tuyến buýt số 38 chỉ kết nối với ga Cát Linh theo một chiều (từ Giảng Võ đi Núi Trúc).
Tại ga Yên Nghĩa sẽ duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt gồm: 01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, 123, 124, CNG02, CNG07, BRT01, 75 và 213, 214.
Trong đó, 18 tuyến buýt có điểm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa và 2 tuyến số 37, 57 là các tuyến buýt thông qua. Các tuyến buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến buýt kết nối với khu vực ngoại thành.
Hà Nội sẽ kết nối nhiều tuyến buýt tại các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Cùng với việc bổ sung xe buýt ở các ga, Hà Nội cũng bổ sung nhiều điểm dừng xe buýt. Cụ thể, dọc lộ trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thành phố sẽ bổ sung 17 điểm, đồng thời di chuyển 9 điểm dừng xe buýt, thuận tiện cho việc đi lại của hành khách. Dưới chân các nhà ga đều có biển báo cho phép ôtô con, xe taxi dừng đỗ. Đảm bảo việc kết nối, các tuyến buýt hiện có sẽ được điều chỉnh, bố trí lại.
Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó, 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 nhà ga đường sắt đô thị 2A.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, các đơn vị liên quan đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối cùng để có thể bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội tổ chức khai thác thương mại vào cuối tháng 4/2021.
Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km, 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành Đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa. Năng lực vận chuyển của tuyến tương đương với hơn 100 xe buýt/giờ/hướng.
Tuyến đường sắt này có khả năng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục. Tại các nhà ga đều được bố trí các thiết bị thang máy phục vụ người khuyết tật, thang cuốn, thang bộ.