Hà Nội: Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân trên đàn vật nuôi
Các địa phương đồng loạt triển khai biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm Hà Nội tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi |
Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch
Công văn nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY ngày 11/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân. Trong đó, thành phố đề nghị hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao...
Chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20/12/2020 đến 20/1/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật và tại các địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm; Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...
Trong công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các đơn vị, địa phương tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Các địa phương cần tăng cường vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; Đồng thời, chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; Đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, khẩn trương tập trung triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Công văn số 11034/VP-KT đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Công văn nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội nhận được Chỉ thị số 8634/CT-BNN-TY ngày 9/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội nhận được Báo cáo số 517/BC-SNN ngày 14/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về việc đến ngày 13/12/2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, phải tiêu hủy một con bò mắc bệnh.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) |
Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan rà soát, tập trung triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị nêu trên và chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 5513/UBND-KT ngày 26/11/2020.
Không để dịch bệnh xảy ra và bùng phát diện rộng
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, nguy cơ xảy ra bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc là rất cao do Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh: Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Ninh đều có ổ dịch trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp.
Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn thành phố tương đối lớn với 157.906 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân chưa chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, viêm da nổi cục là bệnh mới xảy ra trên địa bàn thành phố nên sự hiểu biết của người chăn nuôi về triệu chứng và cách phòng, chống bệnh này chưa cao; Nhu cầu sử dụng thịt trâu bò vào dịp cuối năm tăng cao nên công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn...
Người chăn nuôi cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra và bùng phát ra diện rộng |
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với huyện Phú Xuyên triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, không để lây lan. Cùng với đó, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và thực hiện phòng, chống dịch, khống chế dịch bệnh đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
Bên cạnh đó, Sở duy trì hoạt động chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy trâu, bò mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để dịch bệnh xảy ra và bùng phát ra diện rộng.