Hà Nội chủ động, quyết liệt ứng phó mưa lũ từ sớm, từ xa
Hà Nội họp khẩn, chỉ đạo ứng phó lũ lớn trên các sông Hà Nội ban hành lệnh báo động 1 trên sông Hồng, sông Đuống |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kết luận chỉ đạo cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 |
Chiều 10/9, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đã có báo cáo về tình hình tư tưởng trong thời gian diễn ra cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.
Nhân dân ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của TP
Thực hiện Điện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy ngày 5/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai việc nắm thông tin tình hình tư tưởng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về tình hình thành phố trước, trong và sau khi cơn bão số 3 diễn ra.
Những thông tin về công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 tiếp tục là nội dung thu hút sự quan tâm, chú ý lớn trong dư luận. Việc hoàn lưu của bão tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ gây ra tình trạng ngập lụt tại một số tỉnh gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, việc sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ; số người thương vong và mất tích ở Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái do sạt lở đất, lũ quét, lũ cuốn càng tăng thêm sự lo lắng, xót xa trong dư luận.
Một số người dân chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tham gia cùng các đoàn cứu trợ, kêu gọi cộng đồng ủng hộ về lương thực, áo phao, thuốc men đối với đồng bào ở các tỉnh đang bị ngập lụt nặng ở Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai…
Cán bộ, chiến sĩ Công an TP hỗ trợ Nhân dân trong lũ lụt |
Đối với Hà Nội, dư luận Nhân dân tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, kịp thời của thành phố, các đơn vị và lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống lụt bão. Đa số đánh giá cao những ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy vào chiều ngày 9/9/2024, tiếp tục chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh “khẩn trương xây dựng chương trình khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão số 3.
Trước mắt, thành phố và các địa phương triển khai hỗ trợ khẩn cấp trong việc cứu lúa, rau màu, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho dân; “về phục hồi cây xanh, phải quán triệt tinh thần là cây nào trồng lại được là phải trồng lại kịp thời, cây nào yếu phải chuyển về vườn ươm chăm sóc”; “bảo đảm lưu thông an toàn qua các cầu, các cầu yếu không bảo đảm an toàn phải dừng lưu thông; đồng thời khẩn trương triển khai Đề án gia cố, sửa chữa các cầu yếu để thực hiện sớm trong thời gian tới.
Đối với những cây cầu mất an toàn cao, phải thực hiện ngay việc sửa chữa, gia cố theo quy trình khẩn cấp theo quy định”.
Việc UBND thành phố ban hành Công điện số 12, 13, trong đó tiếp tục tập trung, chỉ đạo khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3, chủ động, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới và tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông được dư luận đánh giá là những biện pháp, phương án cần thiết, kịp thời nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão.
Sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố gửi thư kêu gọi Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ, đồng thời trích từ Quỹ “Cứu trợ” thành phố Hà Nội số tiền 51 tỷ đồng để hỗ trợ Nhân dân 11 tỉnh, thành phố, dư luận chung bày tỏ sự đồng tình, đánh giá tích cực, cho rằng với sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất sẽ giúp người dân ở các vùng lũ nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Ngoài ra, việc cơ quan chức năng thông báo có những điều chỉnh, thông báo hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương; không chạy tàu qua cầu Long Biên; yêu cầu các sở, ngành khẩn trương rà soát các cầu vượt sông và cấm xe đi qua các cầu yếu được dư luận đánh giá là những biện pháp cần thiết chủ động.
Bác bỏ thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận
Tuy nhiên, trước tình hình lũ trên các sông, tình hình lũ lụt ở một số tỉnh, việc một số trang mạng xã hội đăng tải, giật tít các thông tin như “Hà Nội báo động lũ khẩn cấp, cảnh báo ngập lụt mở rộng”; “Hà Nội - Khẩn Báo động lũ khẩn cấp. Cảnh báo ngập lụt diện rộng”; “Hơn 70 tuyến phố ở Hà Nội có thể ngập trong 3 giờ tới”, hình ảnh ngập lụt ở một số huyện ngoại thành… cùng với một số người được gọi là “chuyên gia dự báo thời tiết” trong đó nổi bật là ông Nguyễn Ngọc Huy, facebook Huy Nguyễn, người có lượng người theo dõi, tương tác lớn thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin và đưa ra những dự báo về thời tiết, lời khuyên trong công tác phòng chống ngập, lụt đã tạo tâm lý lo lắng, bất an, thậm chí có hiện tượng mua sắm, tích trữ hàng hóa. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố, các cơ quan báo chí và truyền thông của Hà Nội tăng cường thông tin định hướng để tạo sự ổn định về tư tưởng, dư luận trong xã hội, đặc biệt là ở thời điểm “nhạy cảm” này.
Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của mưa, lũ, mực nước trên các sông, tổ chức tuyên truyền, thông báo cho Nhân dân ở những vùng thấp, vùng trũng có khả năng bị úng, ngập biết, đặc biệt là có phương án kịp thời di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đồng thời, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn cung, an toàn thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo ổn định về giá cả các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới.
Các báo, đài đã chủ động thông tin, tuyên truyền đậm nét trên trang chủ, chương trình thời sự, các chuyên trang, chuyên mục, gắn với sử dụng loại hình báo chí mới, ứng dụng công nghệ thông tin, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đạt được hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa cao.
Các cơ quan báo chí tập trung thông tin, tuyên truyền các nội dung: Cập nhật tình hình mực nước trên các sông, mức độ ngập lụt tại các vùng trũng, dự báo thời tiết, dự báo lũ; thông tin các chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương, thành phố về công tác phòng chống lũ lụt; thông tin các lực lượng chức năng tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả lũ trên địa bàn; thông báo một số thông tin cần lưu ý (như di dời các hộ dân ở bãi giữa sông, phương án phân luồng phương tiện từ Hà Nội đi Phú Thọ; cấm một số phương tiện qua cầu Chương Dương, cầu Phú Lễ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, sơ tán người dân ven các sông: Hồng, Đà, Đuống…).
Các cơ quan báo, đài thông tin thành phố Hà Nội chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau bão số 3; thông tin, phản ánh về thiệt hại do lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh, thành phía bắc; bác bỏ thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang trong cộng đồng (như thông tin đập thủy điện Nậm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai bị vỡ là sai sự thật)… Thông qua đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô cập nhật kịp thời thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão.
Thành phố tiếp tục thông tin thường xuyên diễn biến của hoàn lưu cơn bão số 3; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó giông lốc, sấm sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương, thành phố đến địa phương, cơ sở trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Thành phố từng bước có các giải pháp để hỗ trợ người dân khu vực ngoại thành khôi phục sản xuất nông nghiệp; chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, rau xanh…
Ban Tuyên giáo Thành uỷ nắm tình hình, định hướng về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô; làm tốt công tác phòng, ngừa, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phát sinh; không để hình thành các điểm nóng, góp phần quan trọng bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.