Hà Nội chủ động tiêm vắc xin phòng cúm cho đàn gia cầm
Hà Nội chủ động tiêm vắc xin phòng cúm cho đàn gia cầm để phòng ngừa nguy cơ dịch lây lan rộng
Bài liên quan
Dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát ở 4 tỉnh, thành phố
Hà Nội chủ động các phương án ứng phó với dịch cúm gia cầm
Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm khi virus Corona đang hoành hành
Các địa phương chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong năm 2019, đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là cúm gia cầm có hiệu quả.
Kết quả tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm được trên 26 triệu con, đạt tỷ lệ trên 90% tổng đàn trong diện tiêm. Đồng thời, các đơn vị tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường 5 đợt, với số hóa chất thành phố hỗ trợ là 306.462 (lít, kg).
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau Tết Canh Tý 2020. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục thực hiện vệ sinh môi trường, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2020. Tổng số hóa chất thành phố hỗ trợ cấp và sử dụng là 88.600 (lít, kg). UBND quận, huyện và thị xã chủ động hỗ trợ các cấp, ban ngành tại cơ sở 254,4 tấn vôi và gần 321 triệu đồng để tổ chức thực hiện.
Trước nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm có nguy cơ lây lan diện rộng, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tiêm phòng hai đợt đại trà trong năm 2020. Cụ thể, đợt 1 triển khai từ ngày 1/3 - 1/4/2020; đợt 2 triển khai từ ngày 1/9 - 1/10/2020.
Hà Nội chủ động tiêm vắc xin phòng cúm cho đàn gia cầm để phòng ngừa nguy cơ dịch lây lan rộng |
Ngoài hai đợt đại trà trong năm, hằng tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ giám sát và tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc gia cầm nuôi mới, mới sinh theo quy định; chủ động tiêm phòng sớm vắc xin cúm gia cầm tại các thôn, xã có nguy cơ cao. Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt hơn 80% tổng đàn thuộc diện tiêm và hơn 90% đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng; tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng phải đạt hơn 70%.
Để đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm, các địa phương cần củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo đảm giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Đồng thời, các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, cần chủ động lấy mẫu giám sát để dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, bệnh dịch tả lợn châu Phi…
Ðể phòng, chống cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết, trong quý I/2020, lượng vắc xin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc xin sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vắc xin sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.
Ðể chủ động nguồn vắc xin, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sản xuất được một số loại vắc xin quan trọng như: CGC Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2. Ngoài ra, Bộ cũng đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vắc xin cúm gia cầm.