Hà Nội đã cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội thông tin tại hội nghị
Bài liên quan
Sẵn sàng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia
Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư khoa học và chính xác
Hà Nội: Giám sát các hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử
Chiều 10/12, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội đã thông tin về kết quả thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, qua hơn 3 năm tổ chức triển khai thực hiện, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình 08 cơ bản đã hoàn thành. Cải cách hành chính thực sự là khâu đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Cụ thể, thành phố đã tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai nhiều phương án đơn giản hóa thủ tục...
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố là 1.818, trong đó cấp sở là 1.508; cấp quận, huyện là 220 và cấp xã, phường, thị trấn là 90 thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt cao, năm 2016 là 98,81%; năm 2017 là 98,13; năm 2018 là 98,5% và hết quý III-2019 là 99,86%.
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4. Đến nay, toàn thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (tỷ lệ 80%), trong đó có 1.209 dịch vụ công mức độ 3 và 239 dịch vụ công mức độ 4. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử thành phố đạt trên 2,2 triệu hồ sơ. Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa dùng chung đạt tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến là 74%.
Từ kết quả trên, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước có bước cải thiện, nâng cao qua từng năm. Cụ thể, chỉ số hài lòng (SIPAS) của thành phố năm 2018 là 83%, tăng 16 bậc so với năm 2017, hoàn thành so với chỉ tiêu Chương trình 08 và sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.
Cùng với cải cách thủ tục hành chính, thành phố đã tập trung cải cách tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, với cách làm bài bản, quyết liệt, khoa học, đồng bộ. Thành phố đã giảm 1 cơ quan ngang sở, giảm 49 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó phòng. Hà Nội cũng thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 74 Ban chỉ đạo trực thuộc UBND thành phố; giảm 121 đơn vị trực thuộc sở và 110 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thành phố cũng chuyển 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, qua đó giảm 13.665 biên chế.
Đáng chú ý, Hà Nội đã chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ. Nhằm nâng cao ý thức, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã triển khai đánh giá cán bộ hằng tháng, gắn với thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị. Kết quả cho thấy, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ được đảm bảo.
Những kết quả trong Chương trình 08 đã được thể hiện qua các chỉ số đánh giá, xếp hạng của Trung ương, như chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh 2 năm 2018 và 2019 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015; chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ 2 cả nước...