Hà Nội đậm nghĩa tình
Bài 1: Dấu ấn từ những chính sách riêng, đặc thù
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cùng vị thế là Thủ đô của cả nước, ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Trung ương, Hà Nội luôn có các chính sách đặc thù, đi trước, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với việc chăm lo, nâng cao đời sống người có công.
Đền ơn đáp nghĩa bằng cả tấm lòng, trái tim
Hiện nay, TP Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn với trên 800.000 người (chiếm gần 10% của cả nước). Trong đó, có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 60.000 thương bệnh binh, hơn 80.000 liệt sĩ, hơn 13.000 người hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 500.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội |
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 76 năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
Cùng với đó, TP đã ban hành các chế độ, chính sách đặc thù và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, như: Thực hiện chính sách điều dưỡng, cấp thẻ miễn phí khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, chế độ quà Tết, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9; Hỗ trợ hoạt động của Ban Liên lạc tù chính trị trên địa bàn... Hàng năm, TP bố trí ngân sách gần 500 tỷ đồng để tặng quà đối với người có công. Qua đó, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn, sự chăm lo của thành phố đối với người có công và thân nhân người có công.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP rất tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ...
Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2022, TP đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 450 tỷ đồng; Đã có 15.271 gia đình người có công được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; 74.565 người được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí trên 70 tỷ đồng; Gần 39.000 lượt người được điều dưỡng hằng năm với kinh phí gần 46 tỷ đồng; Tu sửa, nâng cấp 1.589 lượt công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí trên 904 tỷ đồng.
Ý nghĩa của những chương trình, hành động đó đúng như lời Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng khẳng định: “Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc”.
Những chính sách riêng có của Hà Nội
Hà Nội luôn thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong thực hiện chính sách, chăm lo cho người có công với cách mạng. Nổi bật là Hà Nội có những chính sách đặc thù về hỗ trợ người có công với cách mạng, nâng mức chi, mở rộng đối tượng thụ hưởng nhân các dịp lễ, Tết trong năm, đơn cử như Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức quà tặng của thành phố tới các đối tượng trong các dịp lễ, tết; Chủ trương cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; Trợ cấp hằng tháng cho cựu thanh niên xung phong sống cô đơn, không nơi nương tựa và cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày có hoàn cảnh khó khăn...
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (quận Hà Đông) |
Điều đặc biệt, từ năm 2023 người có công và thân nhân liệt sĩ được thụ hưởng chính sách đặc thù riêng có của TP Hà Nội được quy định tại Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP. Nếu theo quy định của Trung ương tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần đi điều dưỡng cho các đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ thì từ năm 2023, TP Hà Nội bố trí kinh phí để người có công và thân nhân liệt sĩ được đi điều dưỡng mỗi năm 1 lần. Ngoài ra, đối tượng đi điều dưỡng được nhận hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/năm.
Tổng hợp số liệu 6 tháng đầu năm 2023 về công tác người có công của Hà Nội phần nào là minh chứng cho hiệu quả, chất lượng của hoạt động này. Cụ thể, tổng kinh phí 6 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; Chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; Chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; Điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng.
Tuổi trẻ huyện Quốc Oai, Hà Nội hỗ trợ sửa chữa nhà cho gia đình liệt sĩ |
Ông Nghiêm Xuân Vượng, thương binh hạng 2/4 ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Với những thương bệnh binh như tôi hay những người từng tham gia chiến trường trở về thì sức khỏe yếu do mang trên người vết thương để lại do chiến tranh. Vì thế, khi được thành phố quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, chúng tôi rất phấn khởi và xúc động. Sự quan tâm đó rất sâu sắc và thực chất”.
Để chăm lo tốt hơn nữa đời sống người có công, thành phố vẫn còn nhiều việc cần làm, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng, các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, trước mắt, từ nay đến cuối năm 2023, Hà Nội tiếp tục phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
Những ngày tháng 7 này - kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, trung tâm điều dưỡng người có công trên địa bàn Hà Nội rộn rã tiếng cười vui cùng những hoạt động chăm lo sức khỏe, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người có công và thân nhân liệt sĩ.
Để những tiếng cười ấy vang, vọng hơn nữa, các cấp chính quyền thành phố đang tiếp tục đề xuất, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo thực chất, hiệu quả đến người có công, đặc biệt là việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, công trình phục vụ người có công, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.
(còn nữa)