Hà Nội đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng
Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô
Bài liên quan
Việt Nam - Australia: Thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp
Xây dựng Trung tâm cung ứng nông sản: Nhu cầu cấp bách
170 gian hàng tham gia Hội chợ hàng nông sản và sản phẩm OCOP
Phát huy lợi thế trong công tác xây dựng nông thôn mới
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại
Nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ... giúp các doanh nghiệp của Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2018 vừa qua, TP Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm; 18 tuần lễ trái cây, nông sản; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ. Qua đó đã có trên 500 sản phẩm mới được kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn TP Hà Nội và toàn quốc.
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại để kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản |
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên tổ chức hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản đặc sản về Thủ đô như: Mận, xoài, vải thiều, nhãn lồng…Ngoài việc tổ chức các hội nghị, sự kiện kết nối, TP Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài tiêu thụ như hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc), hệ thống tập đoàn Centragroup - Thái Lan, chợ đầu mối Rungis (Pháp)... Qua đó giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Hình thành cơ chế hợp tác hiệu quả
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định: "Hà Nội là một trong những địa phương tích cực, đầu tàu trong công tác kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành cả nước. Thông qua kết nối đã giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa. Từ đó phần nào khắc phục tình trạng được mùa mất giá, đưa nông sản Việt vươn ra thị trường quốc tế".
Tuy nhiên, hoạt động kết nối cung – cầu còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Các địa phương còn ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, cho nên khi các doanh nghiệp cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảm đều gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cung ứng, phân phối chưa thống nhất được điều kiện về giao nhận hàng hóa, điều khoản thanh toán dẫn đến công tác kết nối gặp khó khăn...
Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh khác tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản đặc sản về Thủ đô |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản, đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các hộ nông dân sản xuất nông sản vẫn theo tập quán truyền thống nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng... Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc nắm bắt cung - cầu trên thị trường nhằm thông tin tới doanh nghiệp chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO; tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP và GlobalGAP nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định hướng nội dung truyên truyền cho sản phẩm nông sản để cung cấp tới các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thuận tiện hơn...
Đặc biệt, muốn đẩy mạnh kết nối tiêu thụ hàng Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng với TP Hà Nội và thị trường nội địa, các địa phương cần phải thông qua hoạt động tổ chức thị trường, thiết lập hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Việt. Qua đó bảo đảm nguồn cung, thể hiện được sức mạnh hàng hóa trong nước với tỷ trọng xứng đáng tại các cơ sở thương mại nội địa cũng như của nước ngoài.