Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác, phát điện
Đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào hoạt động
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, phân luồng vận chuyển về 2 khu xử lý rác tập trung của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), tiếp nhận khoảng 5.000 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Việc xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến, hiện nay khả năng tiếp nhận rác thải sinh hoạt của cả hai khu xử lý trên ngày càng thu hẹp nếu không được mở rộng các ô chôn lấp.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào hoạt động |
Trước tình trạng quá tải về rác thải trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2017, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%.
Đặc biệt, trong điều kiện các khu chôn lấp không còn khả năng tiếp nhận trong thời gian sắp tới, thành phố đôn đốc, hoàn thành sớm nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày (tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) và khởi công tiếp Nhà máy Điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày (tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn).
Dự án nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) |
Thông tin về hai dự án này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hai dự án trên được đánh giá có tính khả thi cao. Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã bắt đầu xây dựng từ năm 2018, đến nay, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội đã hoàn thành thi công, lắp đặt khoảng 90-95% khối lượng công việc và đang căn chỉnh hệ thống kỹ thuật; dự kiến vận hành giai đoạn 1 vào tháng 9/2021...
Còn Nhà máy Điện rác Seraphin cũng đã được thành phố quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020. Công ty cổ phần Công nghệ xanh Seraphin đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công nhà máy trong quý IV/2021.
Thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác vận hành
Thông tin về tiến độ xây dựng và kế hoạch vận hành Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, nhà máy sẽ được vận hành theo 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 được vận hành vào cuối tháng 5/2021, gồm có 2 lò đốt (lò số 3, số 4), bể rác số 2, phòng xử lý khí thải số 2, ống khói số 2, hệ thống xử lý nước thải số 1. Theo đúng kế hoạch, ngày 28/5 vừa qua, Công ty đã tổ chức tiếp nhận rác để hiệu chỉnh kỹ thuật đối với trạm cân, cầu dẫn, sàn đổ rác, cửa đổ rác... Dự kiến, từ tháng 9/2021, sẽ bắt đầu đốt rác lò số 3, 4.
Giai đoạn 2 được vận hành vào tháng 7/2021, gồm 2 lò đốt (lò số 1, 2), bể rác số 1, phòng xử lý khí thải số 1, ống khói số 1, hệ thống xử lý nước thải số 3. Sau khi vận hành thử nghiệm, căn chỉnh các hệ thống kỹ thuật, sẽ bắt đầu đốt rác lò số 1, 2 vào tháng 10/2021.
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động sẽ giải quyết bài toán rác thải đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Giai đoạn 3 được vận hành vào tháng 9/2021, gồm lò đốt số 5, bể rác số 1, hệ thống xử lý nước thải số 2. Sau khi vận hành thử nghiệm, căn chỉnh các hệ thống kỹ thuật, sẽ bắt đầu đốt rác lò số 5 vào tháng 11/2021.
Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý về công tác nghiệm thu, đóng điện; từ ngày 1/7, Công ty cũng phối hợp Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) làm việc với các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường (thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về nhà máy) để tập huấn cho lái xe chở rác về quy trình vận chuyển rác vào nhà máy.
Công ty Thiên Ý Hà Nội cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty không thể đưa công nhân Việt Nam sang nước ngoài đào tạo vận hành nhà máy. Do đó, năm đầu tiên, công ty sẽ thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện công tác vận hành.
Trong đó, số chuyên gia sang Việt Nam đợt 1 gồm 7 người đã hoàn thành cách ly y tế theo quy định và đã đi làm tại công trường. Đợt 2, sẽ có 20 người nhập cảnh vào Việt Nam (trong tháng 7/2021) để phục vụ vận hành giai đoạn 1. Đợt 3, sẽ có 30 người nhập cảnh vào Việt Nam (dự kiến tháng 9/2021) để phục vụ vận hành giai đoạn 2, 3.
Ngoài ra, Công ty cũng đã tuyển dụng và đang đào tạo 120 cán bộ, công nhân kỹ thuật và nhân viên phục vụ vận hành nhà máy.