Hà Nội: Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
Việc thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ Đại học, Cao đẳng về làm việc cho các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội sẽ đáp ứng được nhu cầu của các hợp tác xã về nhân lực và khoa học kỹ thuật
Bài liên quan
Cần xem xét, đánh giá lại Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới
Chăn nuôi sinh học – hướng đi mới của ngành nông nghiệp Thủ đô
Khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô
“Chìa khóa” xây dựng Nông thôn mới ở Mường Khương
Cụ thể, theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2020, Sở sẽ rà soát chính sách, tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trong hợp tác xã nông nghiệp; Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thành lập hợp tác xã kiểu mới theo định hướng phát triển của từng địa phương, lựa chọn những sản phẩm đặc thù để tuyên truyền vận động thành lập hợp tác xã. Toàn thành phố phấn đấu có hơn 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giảm dần tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng chủ trương xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình tiên tiến bền vững ở các quận, huyện, thị xã; Phấn đấu mỗi quận, huyện, thị xã có 3 - 4 mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình tiên tiến vững mạnh trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, Sở cũng đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực hợp tác xã. Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ và thành viên hợp tác xã. Đặc biệt, sẽ thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ Đại học, Cao đẳng về làm việc cho các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng sẽ tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND TP về phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020”.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của các hợp tác xã là trình độ về quản lý và chuyên môn của cán bộ hạn chế. Có khoảng 60% cán bộ hợp tác xã nông nghiệp chưa học hết phổ thông trung học dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn. Đa số các cán bộ hợp tác xã cao tuổi, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu nhạy bén trong hoạt động. Thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên.
Do vậy, về việc thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ ĐH, CĐ về làm việc cho các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhân lực và khoa học kỹ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của các hợp tác xã nên cán bộ khi về sẽ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực. Đây cũng là mô hình khởi nghiệp với các sinh viên khi tiếp cận vào hợp tác xã. Các bạn có cơ hội phát huy năng lực, gắn bó lâu dài, góp phần xây dựng hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đối với các hợp tác xã được lựa chọn đưa cán bộ về phải có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nông sản an toàn; phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể; có phương án sử dụng lao động phù hợp hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc...
Trong giai đoạn thí điểm này, những người được lựa chọn sẽ là cán bộ kỹ thuật, kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của hợp tác xã.