Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2023
Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD
Trong tháng 6, TP Hà Nội thu hút 399,7 triệu USD vốn FDI, trong đó 50 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 26,9 triệu USD; Có 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 9,3 triệu USD; Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 25 lượt, đạt 363,5 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố thu hút 2.265 triệu USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 196 dự án với số vốn đạt 75 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 209 triệu USD; 169 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.981 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI |
Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong quý II/2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 113,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 37,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư và tăng 5,9%; Vốn ngoài nhà nước 68,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,4% và tăng 10,4%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% và tăng 8,5%.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý II ước tính đạt 72 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022; Vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,1% và tăng 7,3%; Vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7% và tăng 5,4%; Bổ sung vốn lưu động đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,3% và tăng 3,6%; Vốn đầu tư khác đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 3,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Phát huy hiệu quả động lực tăng trưởng của đầu tư
Được biết, để phát huy các động lực tăng trưởng, từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội tiếp tục thu hút đầu tư mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh; Đồng thời đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư cả trong và ngoài ngân sách nhằm phát huy hiệu quả động lực tăng trưởng của đầu tư.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Thành phố đã quán triệt quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58 của Chính phủ.
Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD |
Bức tranh tổng quát về thu hút FDI trên của Hà Nội cho thấy dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng gia tăng.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Về quy hoạch, thành phố Hà Nội có sự thay đổi về địa giới hành chính vào năm 2008 và hiện nay cũng đang triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép thì cũng chậm tiến độ do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục, các dự án để công bố, kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Về cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản... có những thay đổi, còn chống chéo, chưa thống nhất khiến các cơ quan chuyên môn của Thành phố trong quá trình tham mưu, giải quyết còn gặp khó khăn nhất là đối với những dự án quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài và trải qua các giai đoạn chuyển tiếp của quy định pháp luật.
Về tiếp cận đất đai, theo quy định pháp luật về đất đai, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua 3 hình thức: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thông qua thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Trên thực tế, việc xây dựng danh mục dự án để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn chậm, khó khăn. Quỹ đất phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn triển khai chậm trong thời gian vừa qua,
Về tiến độ thực hiện dự án, trên địa bàn thành phố còn tồn tại các dự án chậm tiến độ nhưng không đủ cơ sở điều chỉnh do không thuộc trường hợp gia hạn quá 24 tháng quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư. Mặt khác, việc thu hồi dự án gặp khó khăn do thiếu quy định chi tiết về xử lý các nghĩa vụ, quyền lợi của nhà đầu tư nhằm tránh phát sinh khiếu kiện và tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể như đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của Thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.
Thành phố Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô tạo khung khổ pháp lý tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình".