Hà Nội: Gắn ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử (Trong ảnh: Cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính công tại UBND quận Bắc Từ Liêm) |
Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ "Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025", cùng với việc đổi mới phương thức phục vụ, Hà Nội đã tập trung gắn ứng dụng CNTT với cải cách hành chính.
Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công (DVC), hệ thống một cửa dùng chung ba cấp giúp cho người dân tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuận tiện, tiết kiệm. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát TTHC tốt hơn.
Cổng giao tiếp điện tử Thành phố được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố, tích hợp kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng theo quy định.
Hiện nay, Hà Nội đã có 1.448/1.818 TTHC (đạt 81%) đã triển khai DVC trực tuyến mức 3, mức 4. Trong đó có 297 DVC trực tuyến mức 4, là mức độ DVC trực tuyến cao nhất hiện nay, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Thực tế cũng cho thấy, cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (MCLT) được TP đặc biệt quan tâm; Từ năm 2017 đến nay đã ban hành 81 quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC, trong đó 100% sau khi ban hành được công khai trên Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC. TP còn chú trọng tiến hành rà soát, chuẩn hóa xóa bỏ dữ liệu TTHC dư thừa, trùng lặp và kịp thời nhập, đăng tải công khai, tích hợp dữ liệu TTHC thuộc phạm vi chức năng trên CSDL quốc gia về TTHC. Cùng với đó, thành phố không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung ứng DVCTT mức độ 3, 4. Số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử TP đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ; riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung đạt 74% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Đáng chú ý, nhiều đề án, sáng kiến trong cải cách TTHC, thực hiện một cửa, MCLT mang lại hiệu quả cao, giúp giảm số lần đi lại, thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Quận Tây Hồ là một trong những “ điểm sáng” về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách hành chính), từng bước hiện thực mục tiêu xây dựng nền hành chính hành động, phục vụ; chính quyền điện tử vì người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, quận đã hoàn thành dự án ứng dụng và phát triển CNTT trong quản lý và CCHC; hoàn thành lắp đặt và bàn giao các hạng mục CNTT tại quận; cập nhật, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Chính nhờ sự đầu tư này, những người dân của quận Tây Hồ không còn phải mất thời gian lên phường để làm các TTHC.
Thay vào đó, chỉ cần vào trang “Dịch vụ công trực tuyến” của quận để đăng ký các TTHC. Sau khi vào trang web, người dân được hướng dẫn đầy đủ các giấy tờ liên quan và chỉ cần gửi bản khai thông tin theo mẫu và gửi kèm các tài liệu có liên quan đến địa chỉ trên hệ thống là xong. Gần như ngay lập tức, người dân nhận được thông báo của tổng đài qua điện thoại (theo thông tin đã đăng ký) hoặc email hẹn ngày đến trụ sở phường để nhận kết quả. Để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các TTHC qua mạng, các phường còn vận động DN, cá nhân tặng máy tính đặt tại các khu chung cư, nhà văn hóa, đồng thời tăng hướng dẫn để người dân tiếp cận thông tin và có thể thực hiện ngay tại nhà…
Cùng với nỗ lực cải cách TTHC, từ năm 2016 đến nay, TP đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, phấn đấu đưa Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, đã lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT TP do trực tiếp Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban; thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu hiện đại triển khai hệ thống DVCTT mức 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung của TP…
Hà Nội còn tập trung triển khai 3/6 hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi (CSDL dân cư cho trên 7,5 triệu người dân TP, CSDL quản lý DN của TP, CSDL quản lý bảo hiểm); lắp đặt mạng diện rộng, các phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối với Cổng DVCTT, đào tạo sử dụng phần mềm và hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện, với 647 lớp đào tạo trực tiếp cho 17.800 CBCCVC về chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT…
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |