Hà Nội hoàn thành lấy nước, gieo cấy được 84% diện tích lúa vụ xuân
Thông tin từ các địa phương và tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội cho thấy, sau đợt điều tiết nước tăng cường từ hồ thủy điện (20/2), mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống... có xu hướng giảm. Để cấp đủ nước gieo cấy và tích trữ phục vụ tưới dưỡng lúa xuân, các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội đã lắp đặt trạm bơm dã chiến, nối ống lấy nước sông ở mực nước thấp, vận hành tối đa công trình khi mực nước sông đạt mức cho phép...
Trong ngày 22/2, các tổ chức thủy lợi thành phố đã vận hành 89 trạm bơm, trong đó có 12 trạm bơm dã chiến lấy nước sông vào hệ thống, đưa nước lên mặt ruộng... Tính đến 7h sáng nay (22/2), 14 quận, huyện đã hoàn thành công tác lấy nước, 5 huyện đã cấp đủ nước cho 99% diện tích, 2 huyện đã cấp đủ nước cho 98% diện tích...
Trên cơ sở đó, nông dân 23 quận, huyện, thị xã đã đưa nước lên mặt ruộng, làm đất được 78.145ha, đạt 96% và gieo cấy được 68.099ha, đạt 84% diện tích gieo cấy lúa xuân.
Các địa phương khẩn trương gieo cấy vụ lúa Xuân |
Đặc biệt, 5 huyện, thị xã khó khăn nhất thành phố Hà Nội về nguồn nước cũng đã cấp đủ nước cho 97-100% diện tích gieo cấy. Cụ thể, huyện Ba Vì và Phúc Thọ đã hoàn thành công tác lấy nước, huyện Quốc Oai đã cấp đủ nước cho 98% diện tích, huyện Thạch Thất 97%, thị xã Sơn Tây 90%.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải khẳng định sẽ cấp đủ nước gieo cấy vụ xuân trong khung thời vụ tốt nhất (từ nay đến ngày 28/2) cho các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây bằng nguồn điều tiết từ hồ thủy lợi, lấy nước sông bằng các trạm bơm dã chiến...
Ông Nguyễn Chí Hải cũng đề nghị các huyện, thị xã nêu trên tăng cường vận động nông dân xuống đồng đưa nước lên mặt ruộng, làm đất và thực hiện các biện pháp giữ nước, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Dù đến nay diện tích gieo cấy lúa Xuân 2023 đã cơ bản lấy đủ nước, tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp thuỷ lợi và chính quyền địa phương bày tỏ quan ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân, khi không còn nguồn cung cấp bổ sung từ các hồ chứa thuỷ điện.
Trong bối cảnh đó, nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ lợi đóng vai trò quan trọng. Dù vậy, số liệu quan trắc do Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội cung cấp cho thấy, mực nước các hồ chứa thuỷ lợi đang xuống thấp qua từng ngày.
Dung tích trữ của 13 hồ chứa thuỷ lợi lớn nhất của Hà Nội hiện vào khoảng 85,41 triệu m3, bằng 55% so với tổng dung tích thiết kế. Một số hồ chứa thậm chí có dung tích chỉ đạt khoảng 30% như: Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), Kèo Cà (huyện Sóc Sơn)… Không chỉ vậy, nhiều hồ chứa cũng bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng trữ nước.
Hiện tại, thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác lấy nước, làm đất được 96% và gieo cấy được 84% diện tích lúa vụ xuân 2023 |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, sau ngày 20/2, mực nước sông Hồng sẽ bắt đầu xuống dần. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thuỷ lợi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước để tập trung vận hành hiệu quả công trình thuỷ lợi. Ngoài cung cấp nước phục vụ đổ ải, gieo cấy, cần cố gắng tích trữ tối đa vào hệ thống kênh, mương, ao, hồ… để phục vụ nhu cầu tưới dưỡng cho lúa Xuân.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực xuống đồng lấy nước, trữ nước phục vụ đổ ải, gieo cấy. Đồng thời, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, đảm bảo chống thất thoát, lãng phí nguồn nước tưới dưỡng cho vụ Xuân.
Đối với các quận, huyện, thị xã đang tiến hành trồng rau màu, cần tăng cường vận động, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch rau màu, đưa nước lên ruộng, kịp thời làm đất, gieo cấy lúa theo đúng kế hoạch, trong khung thời vụ tốt nhất; Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước tưới hơn đối với những vùng thường xuyên thiếu nước...
Với sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương, những khó khăn về nước tưới vụ xuân 2023 cơ bản đã được khắc phục, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm, chủ động sản xuất đạt kết quả cao nhất.
Tuy nhiên, để thích ứng tình trạng nước sông ngày càng hạ thấp, giảm phụ thuộc nguồn điều tiết từ các hồ thủy điện trong những vụ xuân tới, các cấp, ngành cần sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới những trạm bơm ven sông lấy nước ở mực nước thấp...