Hà Nội - Hưng Yên: Trao đổi kinh nghiệm dân vận trong GPMB Dự án đường Vành đai 4
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên Quách Thị Hương chủ trì hội nghị.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Theo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, triển khai các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, Ban Dân vận các cấp của Thủ đô tăng cường nắm tình hình, tư tưởng, dư luận Nhân dân; Kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh.
Hệ thống dân vận thành phố cũng tăng cường tuyên truyền thực hiện dự án như: Cử cán bộ nắm bắt tình hình tại các xã, phường có dự án đi qua; Đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình GPMB…
Kết quả, tính đến 10/2/2023, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt phương án với diện tích 236,26ha; Diện tích đất đã bàn giao mặt bằng 213,02ha (đạt tỉ lệ 26,69%), chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 1.779,39 tỷ đồng; Kiểm đếm 8.958/11.687 ngôi mộ; Phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển 6.678 ngôi; Di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.218 ngôi (đạt tỉ lệ 44,65%).
Tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ; Cơ bản không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định, tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ đã và đang là giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, trong quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách. Điển hình như: Đơn giá đền bù có chênh lệch quá lớn so với giá trị thị trường của đất đai (từ 1/1/2009 đến nay chưa thay đổi giá) gây khó khăn trong vận động.
Một số hộ dân trong diện có công trình bị cắt xén không được bồi thường đối với phần còn lại trong khi phần còn lại của công trình cơ bản không còn công năng sử dụng. Một số hộ dân phải di dời nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư, không còn nhà ở, đất khác để đảm bảo sinh sống. Ngoài ra, còn có tình trạng dự án chồng dự án...
Tại Hưng Yên, nhằm cùng hệ thống chính trị triển khai dự án, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng ban hành nhiều văn bản, tổ chức tọa đàm nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên…
Đến nay, Hưng Yên đã hoàn thành xác định phạm vi GPMB. Tại một số huyện, người dân đã chủ động đăng ký và thực hiện di chuyển 738/3.327 ngôi mộ để bàn giao mặt bằng dự án bảo đảm tiến độ…
Tại hội nghị, ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hưng Yên đã trao đổi những kinh nghiệm hay trong việc triển khai dự án. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, thời gian tới, Hà Nội mong muốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong công tác dân vận; Cùng đồng hành với Thủ đô Hà Nội để thực hiện GPMB dự án, bảo đảm bàn giao 70% mặt bằng trước 30/6, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên Quách Thị Hương cho rằng, việc tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện công tác GPMB triển khai Dự án đường Vành đai 4 giữa hai đơn vị sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm; Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Dịp này ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận trong GPMB triển khai dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.