Hà Nội luôn chứng tỏ quyết tâm dẫn đầu về văn hóa
Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa gia đình Quốc hội.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có các đại biểu: PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; TS Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS, TSKH Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS, TS Từ Thị Loan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long...
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Hội nghị cũng có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, thị ủy, UBND quận, huyện, thị xã và đại diện thường trực Đảng ủy các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Hội nghị tọa đàm "Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp" nhằm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Hội nghị cũng được tổ chức với mong muốn huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trao đổi, nghiên cứu, hướng đến xác định hệ giá trị văn hóa Thủ đô, hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu đề dẫn hội nghị |
Phát biểu đề dẫn hội nghị, đồng chí Đỗ Đình Hồng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: "Trong nhiều năm, Sở đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.
Sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” đã gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống hàng ngày.
Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Mặt khác, yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, thành phố sáng tạo cũng đặt ra yêu cầu phát triển con người ở một tầm vóc mới. Việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô lại càng mang tính cấp thiết".
Vấn đề đặt ra là: Những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa; Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không; Nếu cần thì đó là phẩm chất gì; Các giải pháp khả thi, hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh?...
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà văn hóa và đơn vị quản lý văn hóa trên địa bàn Hà Nội |
Có thể nói, hàng loạt vấn đề cũ có, mới có nhưng đều đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong điều kiện mới. Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Hà Nội cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi.
"Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành những nhiệm vụ quan trọng này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Điều đó khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh” với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện trong toàn thành phố", đồng chí Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Hội nghị tọa đàm không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở; Góp ý trực tiếp vào Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy trong “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Chứng tỏ quyết tâm đi đầu của Hà Nội
Phát biểu tại Hội nghị, PGS, TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, hội nghị này chứng tỏ quyết tâm đi đầu trong việc tìm ra thực trạng và giải pháp để điều chỉnh, chuẩn hóa các giá trị con người Hà Nội trong thời đại mới.
Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được hệ giá trị gia đình đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội. Điều này cũng làm tiền đề để các địa phương khác tiếp tục cùng thảo luận, đưa ra những vấn đề cấp thiết với gia đình và con người trong xây dựng văn hóa, phát triển đất nước hiện nay.
PGS. TSKH Lương Đình Hải phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết, các vấn đề bàn thảo tại hội nghị này sẽ lan tỏa từ thành phố xuống các địa phương để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng hệ giá trị của gia đình.
Nhấn mạnh vai trò của con người trong sự phát triển của gia đình, xã hội, đồng chí Hồ Quang Lợi đánh giá cao công tác truyền thông trong việc tuyên truyền vai trò gia đình trong xã hội, làm cho chuẩn mực của người Hà Nội thấm sâu vào từng thành phần xã hội.
Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
"Phải xác định hệ giá trị gia đình Thủ đô gồm những yếu tố gì, có khác với hệ giá trị gia đình Việt Nam như thế nào, có gì khu biệt không? Con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hào hoa và còn cái gì khác với con người Việt Nam hay không?", đồng chí Hồ Quang Lợi đề nghị tiếp tục làm rõ hơn điều này. Đồng thời, đồng chí cũng mong Hà Nội biểu dương kịp thời những gương điển hình cũng như phát hiện ra những bất cập để kịp thời điều chỉnh những biểu hiện chưa chuẩn mực.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại diện huyện Thường Tín đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tế bào gia đình và mối quan hệ hữu cơ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục và phát triển con người Việt Nam hiện đại.
Thứ hai, cần đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; Nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.
Đại diện huyện Thường Tín đưa ra các giải pháp |
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng… Thứ tư, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.
Thứ năm, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo, đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân. Thứ sáu, đề nghị thành phố xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị con người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đại diện huyện Mê Linh đưa ra các đề xuất |
Để xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô một cách hiệu quả hơn, đại diện huyện Mê Linh đưa ra các đề xuất: Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật củ Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác xây dựng gia đình; Đẩy mạnh đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về gia đình; Tiếp tục rà soát các nội dung, chỉ tiêu, đề án, mô hình để chỉ đạo sát sao thực hiện có hiệu quả và từng bước nhân rộng mô hình, Chú trọng các nguồn lực, nhất là kinh phí đầu tư xây dựng các công trình văn hóa - xã hội.
Đại diện quận Ba Đình phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện quận Ba Đình cũng đưa ra các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đọa quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác gia đình; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về gia đình để giáo dục cung cấp cho các thành viên trong gia đình về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình; Đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình.