Nhiều cách làm hay thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố; Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội; Nguyễn Thế Toàn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố.
Đại biểu tham dự hội nghị tọa đàm "Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình |
Dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao; Đại diện lãnh Phòng Văn hóa và Thông tin; Trưởng Ban đại diện Hội người Cao tuổi; Hội Liên hiệp phụ nữ; Quận/huyện Đoàn; Cán bộ phụ trách công tác quản lý Nhà nước về gia đình của 10 quận, huyện: Thanh Oai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Hội nghị do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Ban Đại diện Hội người cao tuổi thành phố, UBND huyện Thanh Oai tổ chức.
Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND thành phố về triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch số 616/KH-SVHTT ngày 12/9/2023 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn Thành phố năm 2023.
Hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội
Phát biểu đề dẫn hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, ẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu đề dẫn tại hội nghị |
Đó là về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; Vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Các đơn vị chức năng đã tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững; Xây dựng gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Qua đó, việc thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người; Là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để có được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân đã có nhận thức đúng về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật về hôn nhân và gia đình, về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và gia đình.
Đông đảo gia đình có những hành động cụ thể, thiết thực hưởng ứng, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Thủ đô, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến trên thế giới, thực hiện quy mô gia đình ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Khánh Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai phát biểu chào mừng hội nghị |
Đồng chí Trần Thị Vân Anh cũng nhận định: Tại Hà Nội, công tác truyền thông về việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chưa thường xuyên, liên tục; Các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho cơ sở còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên tuyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình. Kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại cơ sở.
Mục đích của việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Ứng xử trong gia đình là cốt lõi của phát triển văn hóa
Hội nghị tọa đàm có sự tham dự của các cơ quan Trung ương, thành phố, các quận/huyện/thị xã, phường/xã/thị trấn và các gia đình văn hóa tiêu biểu của thành phố có mối quan tâm chung đến công tác gia đình, đến việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ban Tổ chức đã nhận được 15 bài tham luận của đại biểu gửi tới hội nghị tọa đàm.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị |
Các bài tham luận tại hội nghị tập trung vào các nội dung trọng tâm và cụ thể. Đó là: Bàn về việc xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, từ cách ứng xử trong gia đình là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; Mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người, định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
Các ý kiến cũng nêu bật vai trò của gia đình, cách ứng xử của các mối quan hệ trong gia đình nhằm xây dựng gia đình văn hóa bao gồm các tiêu chí như: Tiêu chí ứng xử chung đó là: Tôn trọng; Bình đẳng; Yêu thương; Chia sẻ và 4 tiêu chí ứng xử cụ thể đó là: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Nguyện - Bí thư Huyện đoàn Thanh Oai đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong giới trẻ. Đó là: Xác định rõ vai trò của tuyên truyền; Mọi thành viên trong gia đình phải luôn tôn trọng, bình đẳng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; Biết nhường nhịn và giữ hòa khí, quan tâm đến bữa cơm gia đình; Hoàn thành tốt công việc của gia đình và cơ quan; Nhân rộng, biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu.
Đồng chí Trần Thị Nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) |
Đồng chí Trần Thị Nhiên - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ những kinh nghiệm triển khai "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Chi bộ khu dân cư đã đưa nội dung thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nội dung kết hợp xây dựng Tổ dân phố năm không.
Đảng viên phải xung phong gương mẫu tham gia thực hiện, tạo không khí sôi nổi để các gia đình đăng ký. Phường cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện với nhiều hình thức; Tổ chức các buổi sinh hoạt bằng hình thức tọa đàm... để nêu bật tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ trong gia đình.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc - Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa phát biểu tại hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc - Phó Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa đưa ra các đề xuất để đưa "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" vào thực tế cuộc sống một cách sâu rộng và thiết thực hơn.
Thứ nhất, đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tôi cho rằng giải pháp mang tính kinh điển này luôn quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số len lỏi vào từng lĩnh vực, đời sống kinh tế xã hội; Tuyên truyền qua truyền hình, truyền thanh, qua mạng xã hội, pano, áp phích, sân khấu hóa và tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể và phương thức phù hợp.
Thứ hai, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, quá trình bình xét gia đình văn hóa cần tiếp tục công khai, minh bạch, có hình thức khuyến khích như khen thưởng, các hình thức vinh danh cụ thể.
Thứ ba, cần lựa chọn làm điểm xây dựng và phát huy những mô hình cụm dân cư, cộng đồng dân cư văn hóa tiêu biểu, trong đó có tỷ lệ gia đình văn hóa tiêu biểu với những tiêu chí được nâng cao hơn so với quy định chung.
Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình". Thành phố đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện. Năm 2021, thành phố thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Qua thời gian triển khai thí điểm và thực hiện nhân rộng trên địa bàn thành phố từ năm 2022, "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Kết quả minh chứng năm 2022, tổng số hộ gia đình toàn thành phố là 2.090.892, trong đó có 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0.5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% Tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019). |