Hà Nội: Nhiều hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế trẻ em gái
Ts.Bs Tạ Quang Huy - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội dự điểm truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 tại huyện Mê Linh
Bài liên quan
Giải cứu 19 phụ nữ khỏi “nhà máy sản xuất trẻ em” ở Lagos
Ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Hiện nay Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 27/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới”.
Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em, chăm sóc và bảo vệ trẻ em gái, cũng như các bé trai.
Đồng chí Nguyễn Minh Xuân - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội phát biểu tại điểm truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 tại huyện Gia Lâm cho biết: "Tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 113 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2018.
Theo số liệu 9 tháng năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động.
Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai".
Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10, Sở Y tế Hà Nội phát động Chiến dịch truyền thông với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Thông qua Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, đồng thời kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa từ cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay hành động để can thiệp giảm thiểu tình trạng mất ân bằng giới tính khi sinh - một hình thức phân biệt đối xử giới.
Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt.
Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 năm 2019, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại một số đơn vị Hoàn Kiếm, Thường Tín, Long Biên tổ chức Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu, Gia Lâm, Mê Linh tổ chức tụ điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10…
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…