Hà Nội: Nỗ lực phát triển thị trường lao động theo hướng bền vững
6 tháng đầu năm, toàn TP giải quyết việc làm cho 118.853 lao động
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính chung 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 118,9 nghìn lao động, đạt 74,3% kế hoạch giao trong năm, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 118.853 lao động (Ảnh minh họa) |
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 124 phiên giao dịch việc làm với 3.073 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng là 55,1 nghìn lao động, số người được phỏng vấn là 22,3 nghìn người, có 7,8 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch.
Thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; tiếp tục xét duyệt cho vay vốn; thu thập thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động song song với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống.
Đồng thời, TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Ngoài ra, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, nâng cao kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Bên cạnh tín hiệu khởi sắc, những biểu hiện thiếu bền vững của thị trường lao động cũng bộc lộ rõ nét hơn. Đó là nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhất là đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều thách thức khi chất lượng nguồn lao động và khả năng thích ứng của người lao động với các phương thức, mô hình làm việc mới. Việc chưa thể làm quen đã khiến người lao động khó bắt kịp tốc độ đổi mới của doanh nghiệp, làm chậm quá trình phục hồi. Dịch bệnh tác động đến tâm sinh lý của người lao động cũng làm giảm năng suất và làm kém đi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Ảnh minh họa) |
Tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19” vừa tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động; hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm. Để làm được điều này, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu.
Các chuyên gia cùng chung nhận định rằng, điểm nghẽn lớn nhất bây giờ là chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, Hà Nội phải quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, đồng thời cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng. Hệ thống trung tâm đào tạo việc làm phải có những cải cách tốt, tăng nhu cầu kết nối việc làm trên diện rộng hơn để người lao động có thể nắm bắt. Về phía doanh nghiệp phải tạo được môi trường làm việc tốt như an toàn việc làm, nâng mức tiền lương, thực hiện nghĩa vụ an sinh xã hội; Cùng với đó phải tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và phối hợp với người lao động để tổ chức đào tạo lại.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 28/6/2022, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 177/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thành phố định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới…
Kế hoạch nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…