Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư
Lộ trình quy hoạch vùng chăn nuôi của Thủ đô
Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người… là nội dung Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch xác định rõ, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đồng thời, khuyến khích chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Đặc biệt, thành phố xây dựng lộ trình dừng, chấm dứt chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố; Thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh trên cả nước; Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, các sản phẩm đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng…
Thành phố Hà Nội đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư |
Về mục tiêu giai đoạn 2022-2030, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; Phấn đấu giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn thành phố; Tốc độ, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trung bình 4,5-5,5%/năm; Thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tăng tối thiểu 4-5%/năm.
Phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép; Giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư, dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn phát triển theo hướng trang trại xa khu dân cư bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong trang trại; Tiếp tục xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Hà Nội là trung tâm sản xuất con giống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.
Đến năm 2030, thành phố hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm tại các vùng xa trung tâm Thủ đô; 70% sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết; Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối để xây dựng các chuỗi khép kín và chuỗi liên kết, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi bằng các dây chuyền công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm; Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết…
Từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân
Thực tế chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đã tạo điều kiện cho các hộ dân học hỏi trao đổi kinh nghiệm, liên kết lại với nhau để giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, kiểm soát được dịch bệnh…
Có thể thấy, lợi ích của việc chăn nuôi xa khu dân cư là rất lớn song việc nhân rộng ra các địa phương đang gặp khó khăn. Từ năm 2009, thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một dự án nào được triển khai do không có kinh phí. Ngoài ra, các huyện thường lập dự toán để xây dựng dự án quá lớn không phù hợp với thực tế...
Về phía địa phương, theo bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, việc chăn nuôi xa khu dân cư sẽ tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô, tăng đàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thành phố yêu cầu các địa phương có phương án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi |
Thành phố cần bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng dự án để triển khai sớm, tạo thuận lợi cho việc đưa các hộ dân ra ngoài khu dân cư; Xem xét sửa đổi quy định về diện tích khu chăn nuôi tập trung từ 10ha xuống còn 3-5ha để các huyện dễ dàng hơn trong việc lập dự án; Các sở, ban, ngành của thành phố cần xem xét, phê duyệt các dự án kịp thời để các huyện làm căn cứ triển khai…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố, các huyện cần phối hợp với đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tập huấn khoa học kỹ thuật nâng cao trình độ sản xuất cho người chăn nuôi để các trang trại phát triển ổn định.
Ngoài ra, khi lập dự toán đầu tư, các huyện cần tính toán kỹ phương án để bảo đảm tính khả thi, cân đối nguồn ngân sách thành phố, huyện, xã và Nhân dân đóng góp cho hợp lý.
Các hộ dân cũng cần liên kết với nhau thành lập các hợp tác xã, tổ hợp về chăn nuôi để có đủ tiềm lực về tài chính, kiến thức nhằm xây dựng các trang trại quy mô lớn, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao.