Hà Nội phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
"Cầu nối" giữa chính quyền và Nhân dân
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô có 152 người có uy tín, trong đó, dân tộc Mường có 101 người (chiếm 66,4%), Dao 3 người (chiếm 2%), Kinh 48 người (chiếm 31,6%). 38 người là trưởng thôn, 43 người là cán bộ nghỉ hưu, 32 người sản xuất kinh doanh giỏi, 3 người là thầy mo – thầy cúng, 1 già làng và 65 người có uy tín tham gia các lĩnh vực khác. Độ tuổi trung bình của người có uy tín là 60, trong đó, người cao tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 34 tuổi.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Giữ gìn quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội tại thôn, bản và khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các đại biểu có uy tín vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội tham dự hội nghị (Ảnh tư liệu) |
Bác Hoàng Văn Sáng (83 tuổi), người có uy tín tại xã Tiên Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: Chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được bà con Nhân dân yêu quý, tín nhiệm. Trọng trách mà chúng tôi đang mang trên mặc dù không mấy to lớn nhưng nó cũng góp phần vào việc giữ vững mối đoàn kết toàn dân, giúp mọi người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm yêu thương, gắn bó với cộng đồng và xã hội.
Cùng quan điểm với bác Hoàng Văn Sáng, bác Nguyễn Thị Huệ, người có uy tín tại xã An Phú, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ: Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực, luôn thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để làm gương cho cộng đồng dân cư. Không những thế, người có uy tín cần không ngừng học tập để nâng cao nhận thức của mình, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội.
Gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chính sách
Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu sốtheo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.
Họ luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; Vận động, hướng dẫn người thân, gia đình và bà con trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng Nông thôn mới, nếp sống văn minh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Các đại biểu là người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội được biểu dương tại hội nghị (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đấu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, những người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát tiển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhất là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Bằng kinh nghiệm của mình, người có uy tín đã tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, hòa giải thành nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân; Tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trở về hòa nhập với cộng đồng.
Mặt khác, người có uy tín có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, thông qua việc tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; Tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", thực hiện tốt phong trào "3 không"; Thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Thực hiện tốt các quy ước, hương ước ở khu dân cư…
Có thể khẳng định, trong những năm qua với việc chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.