Hà Nội: Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư lớn
Sáng 12/5, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội do Thường trực HĐND TP tổ chức, vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao được các đại biểu HĐND TP đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Đàm Văn Huân nêu câu hỏi chất vấn |
Đại biểu Đàm Văn Huân ( tổ Thanh Xuân) lấy ví dụ cụ thể về dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, dù đã được phê duyệt đến nay gần 10 năm nhưng chưa được triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của Hà Nội. TP phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Về dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự án đã được Thường trực Thành uỷ Hà Nội thông qua năm 2013; Đến năm 2014 thì được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án cũng phù hợp Quy hoạch về phòng chống lũ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước đó.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tháng 8/2022, khi thẩm quyền phê duyệt cấp phép đầu tư vào dự án vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ xin ý kiến của Bộ này. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, mới đây vào ngày 15/2/2023, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời nhà đầu tư, trong đó có nêu thẩm quyền phê duyệt thuộc về TP Hà Nội.
“Hiện nay,TP đang giao Sở KH&ĐT hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh trong thời gian sớm nhất…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn |
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng thông tin, ngoài dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, UBND TP đã rà soát, đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hoá quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
7 dự án cụ thể là: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức, quy mô diện tích khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha.
Bên cạnh đó là các Khu nghiên cứu và phát triển giống, cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô diện tích 9,44ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) quy mô diện tích 23,3ha; Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), với quy mô diện tích khoảng 200ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), quy mô diện tích khoảng 80ha.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành chất vấn |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt 7 dự án nêu trên. TP vẫn đang giao Sở NN&PTNT kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án. Dù vậy, việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm.
“TP đang giao Sở NN&PTNT rà soát cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để tổng hợp vào Luật Thủ đô sửa đổi nhằm tạo hành lang thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội cũng mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao…” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm.