Hà Nội: Phát triển dữ liệu và ứng dụng các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số
Đẩy mạnh cung cấp dữ liệu mở
Để phục vụ chuyển đổi số thành công, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng đang được thành phố Hà Nội tích cực triển khai thời gian qua là phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 Chính phủ.
Theo Công an thành phố Hà Nội, tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; Đã thu nhận được hơn 8 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi.
Công an thành phố Hà Nội cũng tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân; Đã rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); Đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính đến nay, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử. Ảnh minh hoạ |
Thông qua thẻ căn cước công dân gắn chip và các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các lực lượng chức năng của thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội, như: Thực hiện các giao dịch online; Tích hợp các giấy tờ thay cho bản giấy, kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự, khai báo lưu trú, khai báo y tế, di chuyển nội địa, đăng ký tiêm chủng…
Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, thành phố hiện đã có hơn 4,73 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; Có 586 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; Hơn 237 nghìn lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tại thời điểm này, Công an thành phố Hà Nội cũng thực hiện đợt đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp cho những công dân đủ điều kiện còn lại trên toàn thành phố.
Theo Phó Trưởng phòng Phòng PC06 Nguyễn Thành Lâm, có được những kết quả nêu trên trong thời gian qua, Công an thành phố đã xác định được một số kinh nghiệm cụ thể, đó là sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp đã tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn dân cư.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố trong triển khai Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Công an thành phố, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Nói về quá trình chuyển đổi số của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết: Trong thời gian vừa qua, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số thành phố Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Người dân có thể khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chip |
“Đến năm 2025, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành phố. Từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu”, ông Nguyễn Tiến Sỹ cho hay.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Y tế, tư pháp, xây dựng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định...
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 một cách tổng thể, toàn diện nhưng sẽ ưu tiên chất lượng hơn số lượng; Ưu tiên phát triển dữ liệu; Ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, đặc biệt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực.
Thêm vào đó, thành phố huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp; Tổ chức triển khai 3 trụ cột: Cải cách Hành chính - Chuyển đổi Số - Đề án 06 tại từng sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp...